![]() |
Khu vực được đề xuất làm khu logistics (tiếp sau Cảng Liên Chiểu), một trong 10 khu được quy hoạch xây dựng Khu thương mại tự do |
Động lực mới
Là cố vấn Sở Công thương Đà Nẵng, cũng là người tham gia xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do, PGS-TS. Bùi Quang Bình, giảng viên Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, xây dựng Khu thương mại tự do bắt đầu từ những điểm mạnh của Đà Nẵng, trong đó vị trí chiến lược đắc địa của Đà Nẵng là lợi thế vô cùng lớn.
Hiện Đà Nẵng có hạn chế là động lực phát triển của Thành phố đang chậm dần. Quy mô cần thiết cho một đô thị phát triển thì chưa đạt đến. “Đây chính là lý do mà Đà Nẵng rất nỗ lực để tạo động lực mới cho phát triển. Chính vì thế, Đà Nẵng đã đề xuất Trung ương và Quốc hội thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15, trong đó động lực phát triển của Đà Nẵng đến từ xây dựng Khu thương mại tự do”, ông Bình nhận định.
Điều này cũng được ông Trần Chí Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định. Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có cả cảng biển và cảng hàng không quốc tế, nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia, giúp Thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Do đó, việc thành lập Khu thương mại tự do được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng (khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật) nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của Thành phố.
Chính sách đặc thù này áp dụng cho Đà Nẵng còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước cũng như vốn FDI vào Thành phố và vùng động lực miền Trung.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xúc tiến đầu tư TP. Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) thông tin, Thành phố đang nghiên cứu, quy hoạch 10 vị trí để triển khai xây dựng Khu thương mại tự do.
“Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng 3 phân khu chức năng chính của Khu thương mại tự do là phân khu sản xuất, phân khu thương mại - dịch vụ và phân khu logistics”, bà Mai cho hay.
Về ưu đãi, đại diện IPA Đà Nẵng khẳng định, các nhà đầu tư vào Khu thương mại tự do sẽ được hưởng ưu đãi cũng như các hỗ trợ vượt trội, ví dụ, thời hạn hoạt động của dự án lên đến 70 năm.
Cùng với đó, trình tự, thủ tục của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây được áp dụng như nhà đầu tư trong nước; được hưởng các chế độ ưu tiên về hải quan và các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đối với hàng hóa dịch vụ được mua bán trong khu.
Dựa trên kinh nghiệm từ nhiều nước như Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc và UAE, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược gợi ý, Đà Nẵng có thể áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng Khu thương mại tự do hiệu quả và bền vững.
Trước tiên, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Theo đó, đối với Đà Nẵng, cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Cùng với đó, Đà Nẵng cần phát triển các trung tâm logistics nội địa, góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.
Đà Nẵng cũng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế.
Tiếp đến, Khu thương mại tự do Đà Nẵng không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế, mà còn phải đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường. Do vậy, Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực.
Cuối cùng, TS. Trần Thị Hồng Minh gợi ý, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Nhiều cơ hội mới mở ra
Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, Khu thương mại tự do sẽ tạo ra lực hút mạnh mẽ, hưởng lợi đầu tiên là doanh nghiệp logistics.
Ông Lê Quảng Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng biển Đà Nẵng cho rằng, về cơ bản, Khu thương mại tự do đặt vai trò sản xuất lên hàng đầu. Mà sản xuất thì liên quan đến vận chuyển, xuất nhập khẩu với khối lượng lớn, do đó phải sử dụng cảng biển.
“Tất cả khu thương mại tự do trên thế giới đều liên quan đến cảng biển, vai trò của cảng biển trong khu thương mại tự do là cực kỳ quan trọng. Sự phát triển cảng biển và khu thương mại tự do gắn liền với nhau”, ông Đức nói.
Dưới góc độ nhà khai thác cảng, ông Đức nhận định, khi cảng biển Liên Chiểu phát triển tốt, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho Khu thương mại tự do và cả cảng Đà Nẵng.
Từ đó có thể nhìn nhận rằng, Khu thương mại tự do và cảng biển là hai yếu tố cộng sinh, cộng hưởng với nhau. Khu thương mại tự do sẽ mang lại nguồn hàng cho cảng biển, còn cảng biển có phát triển tốt thì các nhà đầu tư mới đến Khu thương mại tự do.
Ông Nguyễn Duy Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do. Đây không chỉ là động lực lớn để phát triển kinh tế TP. Đà Nẵng nói riêng, kinh tế vùng nói chung, mà còn là công cụ nắn dòng chảy thương mại thế giới qua Khu thương mại tự do…
Theo ông Minh, với lực hút từ Khu thương mại tự do, Đà Nẵng sẽ có lợi thế cạnh tranh, cơ hội lớn thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế, qua đó bứt phá. Để nắm bắt cơ hội này, một số doanh nghiệp thuộc VLA đã bàn về việc tổ chức vận tải đường biển kết nối trực tiếp hàng hóa Việt Nam với thế giới.
Không chỉ cơ hội với logistics, nhiều doanh nghiệp đều chung khẳng định, Đà Nẵng sẽ là địa điểm được chọn làm trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao, trung tâm du lịch và dịch vụ hiện đại của thế giới…
Là một doanh nghiệp có mặt tại Đà Nẵng từ rất sớm (hơn 30 năm), ông Richard Leech, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long tin rằng, Đà Nẵng có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu không chỉ ở Việt Nam, mà còn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu càng được tăng cường nhờ các nghị quyết của Quốc hội, đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút nhà đầu tư và đối tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao…
Những chính sách này được thiết kế để tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư đổi mới sáng tạo, định vị Đà Nẵng trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu về sản xuất chíp bán dẫn, phát triển AI, vận hành trung tâm dữ liệu trong khu vực.
Và cũng không thể quên rằng, Đà Nẵng có những cơ hội lớn để tận dụng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, kết hợp với các sự kiện quốc tế… Điều này sẽ thu hút thêm du khách và nhà đầu tư.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, Đà Nẵng có thể cung cấp cơ hội đầu tư thêm vào các lĩnh vực chính như công nghệ mới, tài chính, hạ tầng, du lịch. Tất cả đều phát triển theo hướng bền vững”, ông Richard Leech nói.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc cố vấn cho doanh nghiệp Đài Loan tìm hiểu thị trường Việt Nam, bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan (VTBA) chia sẻ, các doanh nghiệp điện tử Đài Loan cũng như các doanh nghiệp thành viên của VTBA mong muốn hợp tác với Đà Nẵng đầu tư vào Trung tâm thương mại tự do.
Một số ngành về vi mạch bán dẫn, những ngành về đóng gói và test (kiểm tra) bán dẫn, VTBA cũng đang có nhu cầu và đang chọn lựa, khảo sát tại TP. Đà Nẵng.
“Đây là bước khởi điểm mới. Tôi nghĩ rằng, ngoài lĩnh vực điện tử, Đà Nẵng cũng là nơi rất hấp dẫn để các nhà đầu tư bán dẫn và vi mạch chọn lựa”, Chủ tịch VTBA khẳng định.
Tương tự, với Khu thương mại tự do, bà Janette Phi, Giám đốc điều hành Công ty Philogix Consulting cho rằng, khi nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội thì Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học về công nghệ đời sống, sức khỏe.
“Đà Nẵng có công viên phần mềm, khu công nghệ cao, có nền tảng để kết hợp giữa khoa học đời sống và AI. Chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội thúc đẩy phát triển ngành khoa học về đời sống trên hạ tầng này”, bà Janette Phi bật mí.
1. Doanh nghiệp nước ngoài vào khu không cần có giấy phép đầu tư và dự án đầu tư để đăng ký thành lập.
2. Áp dụng chế độ hải quan ưu tiên cho doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu với các điều kiện hiện hành (trừ điều kiện về hạn ngạch xuất/nhập khẩu).
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) miễn 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, thuế suất ưu tiên 10% trong 15 năm.
4. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng thuế suất 0% cho hàng hóa tiêu thụ nội khu.
5. Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ trường hợp khu vực không có rào chắn và xe ô tô 24 chỗ).
6. Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc Khu thương mại tự do được thuê đất trong vòng 70 năm.
7. Miễn tiền thuê đất trong 3 năm đầu xây dựng cơ bản và tối thiểu 11 năm tiếp theo của dự án.
8. Hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng trong và ngoài khu, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của Thành phố và tính hợp lý của quy hoạch tổng thể.
9. Đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư chi phí phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách của Thành phố và các điều kiện hợp lệ của dự án do HĐND Thành phố quy định.