Chọn kịch bản tăng trưởng 6,7%
Thông điệp nhất quán đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra sau phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2018. Đó là năm 2018, phấn đấu đạt mức tăng trưởng thấp nhất 6,7%, cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo.
“Chính phủ đã thông qua kịch bản theo hướng duy trì tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành, sao cho duy trì tăng trưởng bền vững, không chỉ trong năm nay mà cả các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết.
Sản xuất tại Tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử, điện cơ Sparton Vietnam. Ảnh: Lê Toàn |
Điều đó có nghĩa, cả hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đều là mục tiêu phấn đấu, thấp nhất là theo kịch bản 1, mà cao hơn là kịch bản 2.
Kịch bản đã được chọn, điều quan trọng là làm sao đạt được mục tiêu đó? “Tất cả các cấp, các ngành đều phải có kế hoạch tăng trưởng phục vụ mục tiêu tăng trưởng đề ra, coi đây là nhiệm vụ chính trị đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy và cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến bộ, ngành, rà soát kịch bản tăng trưởng theo quý của từng ngành, từng lĩnh vực để làm căn cứ chỉ đạo, điều hành.
Sơ bộ, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất 6,7%, thì ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản cả năm phải đạt mức tăng trưởng 3,05%; công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,65%; dịch vụ tăng trưởng 7,39%...
Trong đó, nếu phân tích kỹ hơn theo từng ngành và lĩnh vực, thì ngành nông nghiệp phải phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất lúa tăng 1,5%, sản lượng cây ăn quả tăng 6%; thịt lợn hơi phục hồi, tăng 3,6%; nuôi trồng thủy sản tăng 4,8%; khai thác thủy sản tăng 4,5%... Còn ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành phải tăng 10,8%, trong đó, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5%. Ngành dịch vụ, cả năm dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5 - 10,3%; khách du lịch quốc tế đạt 16 triệu lượt, tăng 24%; xuất khẩu phấn đấu đạt 240 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập siêu khoảng 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu…
Còn nếu muốn đạt mức tăng trưởng cao hơn - 6,8%, thì theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh tất cả các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng theo dự án, tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và xây dựng cả năm sẽ phải tăng thêm khoảng 0,29 điểm phần trăm, trong đó, ngành công nghiệp tăng thêm 0,35 điểm phần trăm (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thêm 0,28 điểm phần trăm).
Bài toán khó của kinh tế năm 2018
Dù tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đang ở mức rất cao, nền kinh tế cũng đang diễn biến tích cực, với xuất khẩu tăng tới 22%, xuất siêu 1,3 tỷ USD, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt tương đương 32,2% GDP, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 đạt 51,6 điểm, thị trường chứng khoán phát triển tốt khi mà Chỉ số VN-Index vượt đỉnh 10 năm qua, đạt 1.170 điểm…, song thách thức của nền kinh tế trong năm 2018 là không nhỏ. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm lại, số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao… cũng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Thêm nữa, những tháng cuối năm nay, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo khó duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. “Năm ngoái, chúng ta có một số yếu tố tăng đột biến, có đóng góp tích cực vào mức tăng chung ở các quý sau, như Samsung, Formosa, nhưng năm nay sẽ không được như vậy nữa”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Tại cuộc họp giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bàn về các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã nhắc đến một thực tế là, tăng trưởng sản xuất của Samsung đã “tới hạn”, khó có thể tăng trưởng đột biến được nữa.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu một số dự án công nghiệp quy mô lớn có thể sớm đi vào hoạt động, thì có thể giúp gia tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đó là, 3 khai trường quặng apatit của Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam; Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; dây chuyền cán thép của Tập đoàn Hòa Phát; lò cao số 2 của nhà máy Formosa với công suất 3,8 triệu tấn/năm; dây chuyền cán tôn nguội, mạ kẽm, mạ màu của Tập đoàn Hoa Sen...
Tất nhiên, điều kiện đặt ra nữa là, các sản phẩm chủ yếu như điện, than, dầu khí... đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đã đề ra. Thúc đẩy tiến độ các dự án quan trọng nói trên, đồng thời nỗ lực thực hiện các kế hoạch sản xuất - kinh doanh của các ngành công nghiệp chủ lực là điều kiện cần và đủ để nền kinh tế có thể giải được bài toán tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra.
Thêm vào đó, một nhiệm vụ rất khó khăn cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao phó. Đó là cố gắng duy trì tăng trưởng cao, song phải phấn đấu nâng cao chất lượng tăng trưởng để người dân sống an toàn, hạnh phúc hơn, doanh nghiệp kinh doanh ổn định và thành công hơn.
“Nếu tăng trưởng cao mà cháy nổ, môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, an toàn xã hội không có, thì chúng ta có hoàn thành tốt nhiệm vụ không?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt câu hỏi.
Với câu hỏi này, rõ ràng, bài toán tăng trưởng của kinh tế 2018, thậm chí không chỉ của năm 2018, càng trở nên khó giải hơn. Nhưng đó là bài toán buộc phải giải thành công, để đảm bảo nền kinh tế không chỉ tăng trưởng cao và bền vững, mà còn là tăng trưởng có chất lượng và đất nước phát triển.