Du lịch
Kịch bản nào cho du lịch miền Trung?
Việt Hương - 29/09/2020 14:30
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, ngành du lịch miền Trung đang chuẩn bị cho việc tái khởi động. Tuy nhiên, khả năng phục hồi được dự báo là không dễ trong bối cảnh dịch bệnh khó lường.
Với việc mở lại đường hàng không quốc tế, hy vọng ngành du lịch miền Trung sẽ sớm khởi sắc. Ảnh: V.H

Những kịch bản tái khởi động

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động vận tải hành khách đi - đến Đà Nẵng đã được Bộ Giao thông - Vận tải cho phép hoạt động trở lại; các cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố cũng được mở cửa đón khách...

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) Lê Tấn Thanh Tùng đánh giá, việc tái khởi động hoạt động du lịch lần này sẽ khó hơn so với đợt dịch bệnh trước vì Đà Nẵng là nơi diễn ra dịch bệnh. Qua hai đợt dịch, kinh tế khó khăn cộng với tâm lý lo sợ dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn, nên người dân hạn chế đi du lịch. Chưa kể, quý IV là mùa thấp điểm của du lịch nội địa.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist Co., Ltd) Nguyễn Sơn Thủy cho biết: “Dù đã được đón khách, nhưng nhiều cơ sở lưu trú chưa muốn mở cửa lại vì lượng khách không đủ bù đắp chi phí điều hành”.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, Đà Nẵng cần tổ chức các sự kiện văn hóa, hội thảo, hội nghị... để thu hút khách, bởi cuối năm là mùa du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị), nhiều doanh nghiệp, cơ quan kết hợp hoạt động công vụ với tham quan du lịch. Ngành du lịch Đà Nẵng cần nhanh chóng triển khai các hoạt động xúc tiến tại các thị trường nội địa trọng điểm, tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm…

Còn tại Khánh Hòa, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Covid-19 đã khiến các chỉ tiêu kinh tế của Khánh Hòa giảm sút mạnh, đặc biệt là du lịch - ngành có thế mạnh của tỉnh. Tỉnh có 1.664 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó, có 873 doanh nghiệp và 1.211 hộ cá nhân kinh doanh ngừng hoạt động… với khoảng 58.240 người lao động bị ảnh hưởng.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch Khánh Hòa, theo ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch, các giải pháp sắp tới mà ngành đặt ra là liên kết các nhóm khách nhỏ, lẻ để tăng lượng khách. Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm để đẩy mạnh các giải pháp phát triển du lịch…

Ghi nhận tại các địa phương khác như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên…, các giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các địa phương khác; ký kết và tổ chức ký kết hợp tác liên kết phát triển với các tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Trung Trung bộ; chú trọng các tour thu hút các phân khúc khách khác nhau như doanh nhân, học sinh - sinh viên, công nhân...

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới đều được các tỉnh miền Trung áp dụng để tái khởi động ngành du lịch.

Doanh nghiệp du lịch cần được tiếp sức

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành du lịch như giảm thuế, giảm giá điện, giảm lãi suất ngân hàng… Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, hiệu quả của việc hỗ trợ chưa cao, giữa chính sách và thực tế vẫn còn độ vênh. Cho đến nay, doanh nghiệp mới tiếp cận được chính sách ưu đãi giá điện, giảm thuế, phí… trong thời gian ngắn.

Doanh nghiệp và lao động ngành du lịch rất khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ; việc tiếp cận các gói tín dụng khác của ngân hàng cũng rất khó khăn.

Những ngày này, hoạt động du lịch ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn rất ảm đạm. Những con phố sầm uất, những điểm vui chơi giải trí lớn như Vinpearl, Hòn Tằm, I-resort, Ba Na Hills, phố cổ Hội An... rất vắng khách du lịch. Rất nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn chưa đủ can đảm mở cửa trở lại.

Theo ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa, Tổng quản lý khách sạn Ariyana, trong khi các doanh nghiệp lữ hành “đau đầu” với việc giải quyết việc hủy, hoãn tour, thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng bế tắc bởi không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả lương cho bộ khung nhân sự.

Không ít chủ khách sạn, nhà hàng ở các tuyến “phố Tây” ở Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng đã rao bán, hoặc chuyển nhượng vì kinh doanh thua lỗ.

“Các chính sách hỗ trợ ngành du lịch cần phải sát sườn hơn, bám sát thực tế hơn. Làm sao để các gói cứu trợ tới được doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch…”, ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đề xuất.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản kết luận của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 về việc cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số đối tác, mở ra cơ hội mới cho việc phục hồi ngành du lịch Việt Nam.

Cụ thể, từ ngày 15/9, triển khai đối với các đường bay Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Châu), Việt Nam - Nhật Bản (Tokyo), Việt Nam - Hàn Quốc (Seoul), Việt Nam - Đài Loan (Taipei); từ ngày 22/9, triển khai các đường bay Việt Nam - Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam - Lào (Vientiane).
Tin liên quan
Tin khác