Blackpink đang rất nóng trên toàn Đông Nam Á. |
“Đánh thức” doanh nhân cũ và cổ
Ở tuổi 66, ông Đỗ Cao Bảo - một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, đang là thành viên Hội đồng Quản trị FPT (nhiệm kỳ 2022 - 2027) tự nhận mình là người cũ và cổ trong âm nhạc. Ông chỉ thích dân ca, bolero và nhạc Trịnh (tất nhiên thêm chút nhạc đỏ). Ngoài ra, ông biết rất ít và chẳng nghe bất cứ loại nhạc nào khác.
Thế rồi, mọi chuyện đã thay đổi. Đó là khi ông đọc được tin “Chính phủ rất hoan nghênh nhóm nhạc Blackpink tới Việt Nam, sẽ cấp phép cho đơn vị tổ chức”, trên trang Thông tin Chính phủ. Rồi một câu chuyện chẳng biết thật hay hư cấu xuất hiện trên newfeed: một đôi tình nhân trẻ đã bỏ nhau chỉ vì cô gái đòi mua vé đi xem Blackpink với giá vé lên đến 8 triệu đồng, quá cả lương tháng của bạn trai. Điều đó khiến một doanh nhân cao tuổi như ông phải tò mò tìm hiểu thông tin về nhóm nhạc Hàn Quốc - Blackpink và tour diễn vòng quanh thế giới của họ.
Rồi ông kết luận: “Khủng khiếp thật”. Blackpink như một cơn cuồng phong dữ dội cuốn qua tất cả các thành phố lớn trên toàn cầu trong suốt 9 tháng qua. Blackpink sẽ đến Hà Nội biểu diễn 2 đêm trên Sân vận động Mỹ Đình vào ngày 29-30/7, sau đó tiếp tục quay lại Mỹ lần 2 biểu diễn tại các thành phố New Jersey, Las Vegas, San Francisco, Los Angeles.
Đến ngày 31/5/2023, chỉ mới tổ chức 40/62 buổi biểu diễn, mà doanh thu của Blackpink đã đạt 163,8 triệu USD, cao gấp hơn 2 lần kỷ lục của nhóm nhạc huyền thoại Anh - Spice Girls trước đây. Với số khán giả và doanh thu trung bình một đêm diễn ngày một tăng, rất có thể, doanh thu 62 buổi của Blackpink World Tour sẽ vượt mốc 300 triệu USD.
“Hóa ra, K-pop không chỉ mê hoặc giới trẻ Việt Nam, Đông Nam Á và châu Á, mà còn mê hoặc cả giới trẻ Mỹ, Mexico, châu Âu. Biết được điều này, tôi tự thấy rằng, quả là mình quá cũ và cổ trong âm nhạc. Trước đây, mình có thái độ quá kinh ngạc và khó hiểu khi thấy các bạn trẻ cuồng, thần tượng K-pop và Blackpink”, ông Bảo chia sẻ.
Ông Bảo tự nhủ, từ nay sẽ thay đổi thái độ với K-pop. Hiểu, cảm thông và không quá ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ yêu thích và cuồng Blackpink nữa.
Doanh thu 62 buổi biểu diễn của Blackpink World Tour dự kiến vượt mốc 300 triệu USD. |
Kỳ vọng bứt phá về du lịch
Nhìn sơ đồ ghế và giá vé, cũng như cơn sốt vé Blackpink đang quá nóng trên toàn Đông Nam Á, có thể 60.000 vé mỗi đêm tại Việt Nam (2 đêm là 120.000 vé) sẽ bán hết, với giá vé trung bình cỡ 6 triệu đồng. Như vậy, ước tính sơ sơ, riêng tiền bán vé cũng có doanh thu trên 700 tỷ đồng, không kể doanh thu quảng cáo.
Dẫu vậy, điều khiến ông Đỗ Cao Bảo bất ngờ hơn cả là có các công ty du lịch tổ chức hẳn các tour du lịch đi xem Blackpink biểu diễn. Họ lo trọn gói vé xem biểu diễn, vé máy bay, khách sạn, ăn uống, đi lại, tham quan như các tour đi xem bóng đá quốc tế mà chúng ta vẫn đi lâu nay.
Việc này khiến ông Bảo dự báo, rất có thể trong dịp 29 và 30/7 tới đây, Hà Nội sẽ đón kha khá khách du lịch quốc tế theo tour biểu diễn của Blackpink, chưa kể khách từ TP.HCM và các tỉnh, thành phố cả nước. Trong khi đó, các hãng hàng không sẽ bay hết công suất, các khách sạn, nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội sẽ tăng thêm doanh thu.
Theo Statista, doanh thu bán hàng trên toàn cầu của YG Entertainment (Công ty quản lý Blackpink, Big Bang, Winner, G-Dragon…) trong năm 2022 lên tới khoảng 391,2 tỷ won, mức cao nhất kể từ năm 2014. Ngoài nguồn thu chính đến từ các hoạt động của những nhóm nhạc, nghệ sĩ mà công ty đang quản lý, YG Entertainment còn có những mảng kinh doanh khác như mỹ phẩm, quảng cáo...
Trong giai đoạn 2020 - 2021, Công ty chứng kiến doanh thu tăng đột biến, từ 255,26 tỷ won lên 355,63 tỷ won dù đây là giai đoạn mà đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, khiến hàng loạt tour lưu diễn vòng quanh thế giới của các nghệ sĩ bị hủy.
Năm 2022, lợi nhuận mà YG Entertainment đạt được cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2014, đạt 46,78 tỷ won, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (22,86 tỷ won). Một phần doanh thu và lợi nhuận của YG Entertainment hiện tại cũng đến từ những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của nhóm nhạc nữ Blackpink.
Điều ông Bảo kỳ vọng và tính toán có thể nhìn từ cách Thái Lan kích cầu từ các buổi hòa nhạc (concert) K-pop.
Trước đó, giới truyền thông đưa tin việc Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tài trợ concert Blackpink để thu hút hơn 66.000 người tham dự, giúp nước này trở thành “điểm đến âm nhạc” của khu vực.
Sau chuỗi công diễn kéo dài từ Bắc Mỹ sang châu Âu, nhóm nhạc Hàn Quốc này chọn Bangkok làm đêm mở màn cho chuỗi lưu diễn toàn châu Á thuộc Born Pink World Tour. Hai đêm diễn của nhóm này ghi nhận hơn 66.200 khán giả, trở thành một trong những sự kiện thu hút nhiều người tham dự nhất nước này sau Covid-19.
Theo TAT, concert này không chỉ có mục đích duy nhất là giải trí, mà được coi là một phần quan trọng trong việc tạo ra hình ảnh tốt cho Thái Lan với tư cách là “điểm đến âm nhạc” của khu vực. Từ đó, các concert sẽ giúp ra tạo thu nhập quay vòng cho ngành du lịch và nền kinh tế chung của cả nước.
Tham dự concert không chỉ có người hâm mộ nội địa. Nhiều người ở Lào, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines... cũng đua nhau đến nước này, vừa gặp mặt thần tượng, vừa đi du lịch.
TAT đánh giá, concert Blackpink giúp kéo về một lượng khách du lịch chất lượng cao ở các thị trường ngắn hạn trong khu vực và tạo niềm tin cho người nước ngoài thưởng ngoạn quốc gia này.
Nhiều điểm lưu trú và vui chơi ghi nhận lượt tìm kiếm đặt chỗ và ghé thăm lớn từ người nước ngoài trước, trong và sau concert.
Cụ thể, trong thời gian các nghệ sỹ Hàn Quốc đến diễn, họ còn ghé thăm các điểm đến ở Thái Lan. Các thần tượng này gián tiếp tạo ra tiếng vang cho những địa điểm và có thể làm lan tỏa các trải nghiệm hoặc ẩm thực địa phương.
Đặc biệt, Thái Lan có lợi thế vì một thành viên của Blackpink tên là Lisa vốn là người Thái. Cô đã đăng những bức ảnh mặc trang phục sarong truyền thống lên mạng xã hội. Điều này khiến nhu cầu mua trang phục này tăng lên nhanh chóng. Charnruean - cửa hàng nơi Lisa mua sarong ghi nhận danh sách chờ một tháng sau khi bán hết số sarong có sẵn với giá 2.800 baht (khoảng 1,85 triệu đồng) mỗi chiếc. Một số người bán sarong ở tỉnh Buriram - quê hương của Lisa, cũng như ở các tỉnh Si Sa Ket Nakhon Ratchasima và Udon Thani cho biết, doanh số bán hàng đồng loạt tăng. Trong khi đó, Ayutthaya có nhiều khách du lịch hơn, đa số đều tìm dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống.
Thái Lan vốn được coi là một thỏi nam châm hút khách du lịch và ngành kinh tế này cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP. Sau Covid-19, Thái Lan dồn lực vực dậy ngành công nghiệp không khói. Dự kiến, trong năm 2023, Thái Lan sẽ đạt mục tiêu đón trên 20 triệu lượt khách.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, hơn 20 concert và các buổi gặp gỡ người hâm mộ K-pop đã được lên lịch ở Thái Lan. Những sự kiện này có quy mô khác nhau, từ các sân vận động có sức chứa hàng chục ngàn chỗ cho đến các phòng hội nghị trong nhà. Năm ngoái, khoảng 80 sự kiện K-pop đã diễn ra ở Thái Lan. Không chỉ kích cầu du lịch, concert K-pop còn giúp các doanh nghiệp tổ chức sự kiện nước này phục hồi nhanh chóng sau thời kỳ suy thoái trong đại dịch.
Nhìn về nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp
Những diễn biến trên cho thấy, giới đầu tư, các công ty trong ngành tổ chức sự kiện, người hâm mộ kỳ vọng sẽ được lặp lại ở Việt Nam.
Thực tế, giới tháng 7 này là tháng sôi động với những người yêu âm nhạc, khi lần lượt những cái tên nổi tiếng trên thị trường âm nhạc thế giới đều chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến lưu diễn của mình. Đó là nam ca sĩ Charlie Puth và nhóm nhạc nữ Blackpink. Trước đó, World Tour Super Show 9 của nhóm nhạc Super Junior đã được tổ chức tại TP.HCM và hai đêm diễn tại Hội An của dàn sao K-pop đình đám.
Việc nhiều sao quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến cho concert của mình là kết quả của quá trình chuyển động nền công nghiệp âm nhạc trong nước, trong đó có việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khán giả.
Có thể thấy, khán giả Việt đã dần hình thành thói quen trả nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để hình thành nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Công nghiệp âm nhạc là một trong những cột trụ chính của ngành công nghiệp văn hóa mỗi quốc gia. Nếu có thể tạo ra môi trường để vận hành một nền công nghiệp âm nhạc bài bản với đầy đủ các thành tố thì sẽ tạo ra doanh thu lớn, đem đến nhiều việc làm, đóng góp tích cực cho GDP.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, để âm nhạc nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh mềm của đất nước, cần phải có một chiến lược và tầm nhìn dài hạn của các cơ quan quản lý và cả người làm nghệ thuật.