Đầu tư
Kích hoạt tiến trình nâng đời cao tốc Cam Lộ - La Sơn, hé lộ thời điểm khởi công
Anh Minh - 05/07/2024 08:40
Công tác chuẩn bị đầu tư Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe đang được các bộ, ngành tăng tốc để có thể khởi công vào tháng 1/2025.

Làm rõ nhu cầu nâng đời sớm

Sự khẩn trương là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 5121/BKHĐT-PTHTĐT vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi 8 bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng để xin ý kiến thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đề xuất.

Công văn này được phát đi chỉ sau 2 ngày làm việc kể từ khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn theo đúng quy định của pháp luật.

Tại công văn trên, đáng lưu ý là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về sự cần thiết, sự phù hợp với quy hoạch, tác động của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn (nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2023; dự kiến kế hoạch giải ngân nguồn vốn này; khả năng bố trí nguồn vốn khác trong giai đoạn 2026 - 2030, nếu có).

Do Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn là công trình nâng cấp, cải tạo công trình hiện có, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham vấn Bộ Tài chính đối với sự phù hợp với quy định pháp luật về tài sản công đối với việc thực hiện dự án mới.

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện hữu với 2 làn xe. Ảnh: A.M

Trên thực tế, Dự án thành phần đoạn Cam Lộ-La Sơn thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I (2017-2020) cũng chỉ được khánh thành vào ngày cuối cùng của năm 2022.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, Bộ Xây dựng được đề nghị cho ý kiến về sơ bộ tổng mức đầu tư, suất đầu tư, phương pháp tính sơ bộ tổng mức đầu tư, trong đó làm rõ sự phù hợp của các khoản mục chi phí đầu tư xây dựng tại Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Bộ Xây dựng cũng sẽ phải cho ý kiến về phạm vi, quy mô, hạ tầng kỹ thuật; thiết kế sơ bộ của Dự án, trong đó cần đánh giá việc tận dụng, chuyển giao các hạng mục từ dự án cũ; rà soát việc thực hiện các hợp đồng (bao gồm điều khoản bảo hành) của dự án cũ; việc đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí, trạm cân kiểm tra tải trọng xe đoạn La Sơn - Túy Loan.

UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng sẽ cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tác động của dự án tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phạm vi, quy mô, hạ tầng kỹ thuật; các điểm kết nối, đường gom, tuyến tránh, các dự án có liên quan trên địa bàn; phương án sử dụng đất, giải phóng mặt bằng tái định cư (nếu có)…

“Để kịp thời gian tổng hợp kết quả thẩm định, các bộ, ngành và 3 địa phương nghiên cứu, có ý kiến thẩm định về Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/7/2024”, Công văn số 5121 nêu rõ.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2024, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 6182/TTr-BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi của Dự án Mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Đây là một trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Bộ GTVT đánh giá là có nhu cầu cấp bách cần được ưu tiên nâng cấp, mở rộng ngay trong nhiệm kỳ này, gồm: La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong đó, đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Cam Lộ - La Sơn có chiều dài lớn nhất với 98,35 km, trong đó, tuyến qua tỉnh Quảng Trị 36,3 km, Thừa Thiên Huế 62,05 km.

Theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư Dự án, tuyến Cam Lộ - La Sơn đang khai thác với phần lớn đoạn tuyến có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, bề rộng mặt đường 11 m; các đoạn nền đào sâu có quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường 23,25 m, bề rộng mặt đường 11 m; các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23,25 m, bề rộng mặt đường 21,25 m.

Trên phạm vi tuyến còn có 38 cầu, trong đó có 4 cầu đã hoàn thiện theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, 34 cầu quy mô phân kỳ 2 làn xe.

“Quy mô tuyến cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn rõ ràng là không đáp ứng được nhu cầu vận tải tăng cao, nâng cao năng lực khai thác và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến”, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đánh giá.

Sẽ thu phí hoàn vốn

Cần phải nói thêm rằng, tại Tờ trình số 6182, Bộ GTVT đã lý giải về sự “lạc hậu” quá nhanh đối với tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT, khi triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn theo Nghị quyết số 52/2014/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội, các mỏ than đá tại các tỉnh Sekong và Salavan (Lào) chưa có kế hoạch khai thác. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, các mỏ than đá tại các tỉnh Sekong và Salavan (trữ lượng 0,8 - 1 tỷ tấn) đã được khai thác, chủ yếu xuất khẩu thông qua cửa khẩu và cảng biển của Việt Nam (khu bến Chân Mây và khu bến Thuận An), dẫn đến phát sinh nhu cầu vận tải tăng cao trên tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn có quy mô 2 làn xe, đặc biệt là các xe có tải trọng lớn, xe container có vận tốc 30 – 35 km/h.

Thống kê của tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, lưu lượng hiện nay tại tuyến cao tốc đạt 6.000 lượt xe/ngày đêm, tiệm cận con số dự báo đến năm 2025 là 7.545 lượt xe/ngày đêm.

Đây là một trong những lý do khiến người điều khiển phương tiện trên tuyến phải lấn làn, vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông trên tuyến đường bộ cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn.

“Vì vậy, việc mở rộng đoạn Cam Lộ - La Sơn từ quy mô 2 làn xe thành quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, ngoài việc đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được đầu tư với quy mô 4 - 6 làn xe, còn giúp giải quyết nhu cầu vận tải tăng cao, nâng cao năng lực khai thác và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, Dự án sẽ mở rộng mặt cắt ngang tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện hữu từ quy mô 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 12 m thành 22 m, bề rộng mặt đường từ 11 m thành 20,5 m. Các đoạn đã được đầu tư nền đường 23,25 m sẽ cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng dải dừng xe khẩn cấp.

Dự án sẽ đầu tư hoàn chỉnh 2 nút giao với Tỉnh lộ 16 và Tỉnh lộ 12B theo hình thức khác mức liên thông, bảo đảm khai thác đồng bộ, an toàn; giữ nguyên các cầu đã được đầu tư với quy mô 4 làn; mở rộng các cầu còn lại để đảm bảo quy mô 4 làn xe, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.

Công trình trên tuyến sẽ được tận dụng, nối dài hoặc xây dựng mới phù hợp với bề rộng nền đường; xây dựng đường gom để bảo đảm kết nối khu vực và an sinh của người dân.

Ngoài việc nâng cấp, mở rộng chính tuyến cao tốc, Dự án còn đầu tư hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm cân kiểm tra tải trọng xe đoạn La Sơn - Túy Loan.

Với quy mô đầu tư như trên, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 7.000 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023 đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình số 12/TTr-CP ngày 17/5/2024.

Ước tính, tổng diện tích đất chiếm dụng của Dự án không lớn, khoảng 29,05 ha (0,57 ha đất giao thông; 1,65 ha đất thổ cư và 26,83 ha đất các loại), với kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (đã bao gồm dự phòng) khoảng 92 tỷ đồng.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành mở rộng tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT kiến nghị triển khai Dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Để đảm bảo đủ và kịp thời nguồn vật liệu cho Dự án, Bộ GTVT đề xuất được áp dụng cơ chế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, thực tiễn triển khai các tuyến cao tốc trong thời gian qua cho thấy, nguồn cung cấp vật liệu cho Dự án còn khó khăn, bất cập.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản, các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, nhưng không nằm trong diện tích đất của dự án xây dựng công trình phải tiến hành thủ tục cấp phép. Trong khi đó, thủ tục cấp phép mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, chưa đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Dự án cần áp dụng cơ chế đặc thù nêu trên để rút ngắn thời gian và đảm bảo nguồn cung vật liệu, thúc đẩy giải ngân, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

“Hiện nay, tuyến đã cơ bản giải phóng mặt bằng. Nếu được chấp thuận các cơ chế chính sách này, Dự án sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị vào cuối năm 2024 để có thể lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công vào đầu năm 2025; hoàn thành công trình vào cuối năm 2025 (không bao gồm thời gian bị ảnh hưởng của mưa, lũ”, ông Huy nhấn mạnh.

Tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần rà soát, bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến, như hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm dừng nghỉ.

Do chủ trương đầu tư các đoạn tuyến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và La Sơn - Hòa Liên được phê duyệt tại các thời điểm khác nhau, trong điều kiện nguồn vốn bố trí cho các dự án hạn chế, nên mới chỉ đầu tư phần hạ tầng cho hệ thống ITS do hạng mục thiết bị ITS sẽ nghiên cứu đầu tư sau để bảo đảm tính đồng bộ về thiết bị, thuận tiện trong công tác quản lý, điều hành hệ thống ITS các dự án trên đoạn tuyến từ Cam Lộ đến Túy Loan; chưa đầu tư hạng mục thu phí ETC, trạm kiểm tra tải trọng xe.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư thiết bị giao thông thông minh ITS, trạm thu phí ETC, trạm kiểm tra tải trọng xe trên đoạn tuyến La Sơn - Túy Loan trong Dự án Mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.
Tin liên quan
Tin khác