Ngân hàng - Bảo hiểm
Kích tín dụng để che nợ xấu?
Thùy Liên - 02/08/2015 09:38
Tín dụng dồn dập tăng mạnh là dấu hiệu đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó, không loại trừ khả năng một số ngân hàng “kích” tín dụng ảo để “che” nợ xấu.

Có thể tăng vượt mục tiêu

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng dư nợ tín dụng với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 3,15%); tổng phương tiện thanh toán ước tăng 6,05% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,7%). Dự báo từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tăng vượt chỉ tiêu đặt ra (13-15%).

Tại hai đầu tàu kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, tín dụng đều tăng mạnh. Cụ thể, tính đến cuối tháng 7/2015, tín dụng tại Hà Nội tăng 12,5% so tháng 12 năm trước, gần đạt mục tiêu đề ra của cả năm. Còn tại TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng cuối tháng 7 ước đạt 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2014.

Tốc độ tăng tín dụng đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn

 

Trước đó, con số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mà nhiều ngân hàng công bố đều rất khả quan. Cụ thể, Vietcombank tăng trưởng tín dụng 6,52%, BIDV tăng 9,1%...

Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) nhận định, với tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng vượt chỉ tiêu trong năm nay. “Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17%”, VPBS dự báo và khẳng định, kinh tế có dấu hiệu hồi phục, lãi suất cho vay ở mức chấp nhận được là nguyên nhân khiến tín dụng hồi phục.

Từ nay đến cuối năm, dự báo tín dụng sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ vì theo quy luật, tín dụng thường dâng cao những tháng cuối năm. Thêm vào đó, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 18 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng (trong đó có 12 ngân hàng TMCP trong nước), lên mức 20 - 36%.

Hiện tốc độ tăng tín dụng đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Tính đến ngày 20/7, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 6,04% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,95%). Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thanh khoản của các ngân hàng vẫn dồi dào. Thời gian tới, nếu tín dụng tăng cao, huy động vốn giảm, thanh khoản có dấu hiệu căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức bơm tiền để can thiệp thị trường, không để lãi suất tăng cao. 

Bơm vốn phải kèm giám sát chặt

Tín dụng tăng là dấu hiệu đáng mừng, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tín dụng tăng nóng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà có khi vài năm sau mới bộc phát. Trong đó, rủi ro lớn nhất của việc sống dựa quá nhiều vào tín dụng là nợ xấu. Bên cạnh đó, không loại trừ một số ngân hàng “kích” tín dụng ảo để “che” nợ xấu. Do đó, cùng với việc tăng tín dụng, cần giám sát chặt chất lượng cho vay, nhất là dòng vốn vay đổ vào lĩnh vực giao thông, bất động sản

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng đã ‘thấm” bài học nợ xấu từ những năm trước, nên sẽ không dám cho vay bừa bãi. Tuy nhiên, không vì thế mà Ngân hàng Nhà nước lơ là giám sát, cảnh báo. Việc tín dụng đổ vào lĩnh vực giao thông đang có dấu hiệu bất ổn là một ví dụ.

Chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV cho rằng, dù tín dụng năm nay tăng mạnh hơn năm trước và Ngân hàng Nhà nước đã “nới” chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một loạt ngân hàng, song không có nghĩa là ngân hàng sẽ đua nhau tăng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng với các dự án BOT, BT giao thông mới đây là một ví dụ.

Tin liên quan
Tin khác