Ngân hàng - Bảo hiểm
Kiểm soát tỷ giá đang theo tín hiệu thị trường
Thùy Vinh - 12/05/2015 08:17
Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, tỷ giá tăng sẽ tác động tích cực lên xuất khẩu dù mức độ ảnh hưởng hiện còn hạn chế, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2% và việc kiểm soát tỷ giá đang theo tín hiệu thị trường.
Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính, ngân hàng

NHNN vừa công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam (VND) và USD từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Ông nhận định gì về động thái trên và sự biến động của tỷ giá những ngày gần đây?

Việc tỷ giá tăng trong thời gian qua, theo tôi, là bình thường. Tỷ giá tăng tác động tích cực lên xuất khẩu, song mức tác động còn hạn chế do tỷ giá mới tăng nhẹ và NHNN tiếp tục đưa ra thông điệp kìm tỷ giá trong biên độ 2%.

Hiện NHNN đang đi theo tín hiệu thị trường tương đối rõ nét, bởi chúng ta không có nhiều nội lực để giữ tiền đồng ở mức giá cao. Tuy vậy, mức cầu về ngoại tệ so với cung trên thị trường tương đối ổn định, không đáng lo ngại.

Trước sức ép tăng giá của đồng USDõ, nhiều người nhận định, tỷ giá sẽ khó có thể kiểm soát trong biên độ 2%, nhất là khi có dự báo cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm điều chỉnh lãi suất cơ bản của đồng USD. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Sức khỏe của USD đang tăng cũng tạo sức ép lên VND, nhưng có thể trước mắt, điều đó vẫn chưa gây áp lực lớn, mà khả năng trong thời gian từ cuối quý III đến cuối năm 2015 nếu Fed tái tăng lãi suất, sức khỏe đồng USD tăng mạnh thì tỷ giá khó có thể kìm được trong biên độ cam kết của NHNN đưa ra cho năm nay ở mức 2%. Tuy nhiên, trước mắt chưa thể khẳng định điều đó, vì không thể xác định khi nào Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD, vả lại nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam hiện cũng khá dồi dào, cán cân thanh toán thặng dư.

Theo ông, liệu tỷ giá có vượt biên độ cam kết mà NHNN đưa ra cho năm nay?

Theo NHNN, tỷ giá sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức 2%. NHNN cũng đã thay đổi tỷ giá tham chiếu 1% từ đầu năm nay, tạo cơ hội để giảm giá tiền đồng và tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá trong ngày 7/5/2015 để hỗ trợ xuất khẩu.

Mặc dù vậy, sức ép tăng giá của USD hiện vẫn tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Vì thế, khả năng trong thời gian từ đây đến cuối năm khó có thể kiểm soát được tỷ giá ở biên độ hiện tại. Nhưng việc có điều chỉnh tăng thêm biên độ tỷ giá hay không còn tùy thuộc vào tín hiệu và cung – cầu ngoại tệ trên thị trường. Theo tôi, NHNN cần theo dõi chặt, bám sát tín hiệu của thị trường ngoại tệ để điều chỉnh biên độ tỷ giá ở mức phù hợp, nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Cầu ngoại tệ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện có tạo áp lực quá lớn lên nguồn cung, thưa ông?

Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu luôn có nhu cầu về vốn ngoại tệ, song không phải vì thế mà những doanh nghiệp này chủ yếu chọn vay ngoại tệ. Trên thực tế, họ vẫn vay VND, trừ những doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị mới cần vay ngoại tệ để thanh toán.

Sở dĩ, doanh nghiệp hạn chế vay ngoại tệ là để tránh rủi ro biến động tỷ giá, kể cả các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ. Mặt khác, hiện lãi suất cho vay vốn VND cũng được ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp và khá ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, nên VND vẫn được chọn vay.

Theo ông, liệu có tái diễn tình trạng doanh nghiệp “găm” ngoại tệ chờ tỷ giá tăng như trước đây?

Điều đó còn tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và sử dụng dòng tiền của các doanh nghiệp.

Nếu các doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng vốn, thì vẫn có thể để USD trên tài khoản hoặc gửi tiết kiệm hưởng lãi suất. Thực ra, các doanh nghiệp thường cân nhắc khá kỹ việc sử dụng dòng tiền, nên không phải doanh nghiệp nào cũng dư giả vốn để trên tài khoản. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hiện giảm nhiều so với trước, vì thế, việc “găm” trữ ngoại tệ không còn là vấn đề đáng lo ngại như trước.

Tin liên quan
Tin khác