Để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát hoạt động của các tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Lợi nhuận có được của một số đơn vị kinh doanh đa cấp sai phạm trong thời gian qua không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia, thông qua việc yêu cầu người tham gia đặt cọc hoặc mua hàng hóa. (Ảnh minh họa - Internet) |
Theo đó, phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản và đấu tranh với những đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự.
Công văn nêu rõ, thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin bài phản ánh về tình trạng lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, gây dư luận bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.
Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp phổ biến nhất trong thời gian qua là: Người bán hàng thường yêu cầu người tham gia đặt cọc và phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của DN bán hàng đa cấp; Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới; Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp; Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia; Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường…