Xử nghiêm vi phạm
Trong hai ngày 16 và 17/11, Đoàn kiểm tra của Bộ Công an và Công an TP.HCM thực hiện kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá tại các khách sạn trên địa bàn quận 3, quận 6 và quận 10, TP.HCM.
Vào thời điểm kiểm tra, tất cả các khách sạn đều có treo biển cấm thuốc lá, nhiều khách sạn có niêm yết nội quy cấm hút thuốc lá tại khu vực lễ tân và trong phòng.
Cơ quan chức năng của TP.HCM kiểm tra việc phòng chống tác hại thuốc lá tại các khách sạn. |
Cụ thể, Khách sạn Ngọc Chi (đường Sư vạn Hành, quận 10), Khách sạn Victory (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3), Khách san Athena đều niêm yết nội quy không hút thuốc.
Một số khách sạn như Khách sạn Sen Việt (đường Cao Thắng, quận 3) đã niêm yết mức phạt nếu khách lưu trú hút thuốc trong phòng, hay Khách sạn Athena (đường Tô Hiến Thành, quận 10) đã yêu cầu khách hàng ký cam kết không hút thuốc lá trong khách sạn, nếu khách hàng vi phạm sẽ phải chịu mức phí là 1 triệu đồng.
Ông Lý Văn Thành, giám đốc điều hành Khách sạn Athena cho biết, việc đưa quy định cấm hút thuốc giúp khách sạn giảm chi phí vệ sinh phòng, giúp các khách hàng có những ngày nghỉ trong lành không bị ảnh hưởng của khói thuốc đồng thời góp phần đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.
Còn theo ông Hồ Anh Quốc, Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM, nhờ công tác tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá kết hợp với việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng nhiều khách sạn ngày càng quan tâm triển khai thực hiện các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường khách sạn không khói thuốc.
Tuy nhiên, tại một số khách sạn đoàn kiểm tra, giám sát cũng nhắc nhở các đơn vị bổ sung thêm các biển cấm hút thuốc lá tại khu vực hành lang, nhà hàng của khách sạn như khách sạn Bamboo Sài Gòn Hotel (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10), khách sạn Sen Việt, khách sạn Victory.
Về phía Bộ Công an, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp, Cục Y tế, Bộ Công an cho biết, trong những năm gần đây, Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá của Bộ Công an đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế triển khai nhiều đợt kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của Luật thì thấy rằng nhận thức của chủ, quản lý các khách sạn về tác hại của thuốc lá đã tốt hơn.
Tuy nhiên, theo bà Huyền, số lượng biển cấm hút thuốc lá còn ít, vị trí đặt biển khó quan sát nên chúng tôi đã nhắc nhở các đơn vị khẩn trương bổ sung, hoàn thiện những nội dung còn thiếu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Song song với việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá của các khách sạn, đoàn kiểm tra cũng đã tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc xây dựng môi trường không khói thuốc, hướng dẫn đơn vị các tiêu chí để xây dựng khách sạn không khói thuốc lá.
Các biện pháp khuyến cáo cơ sở thực hiện như có biển báo cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá trong khách sạn như sảnh khách sạn, phòng nghỉ, hành lang, cầu thang, phòng ăn, phòng làm việc, các khu vực trong nhà khác của khách sạn. Biển báo cấm hút thuốc cần rõ ràng, treo/đặt tại những vị trí dễ quan sát.
Có nơi dành riêng cho người hút thuốc. Nơi dành riêng phải đảm bảo các điều kiện: có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Đối với các khách sạn không đủ điều kiện bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì thì cần cấm hút thuốc hoàn toàn tại các khu vực trong nhà của khách sạn;
Không có hiện tượng mua, bán thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc. Không trưng bày, sử dụng tên, nhãn hiệu, biểu tượng thuốc lá với các sản phẩm, dịch vụ khác.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá Bộ Công an, sau đợt kiểm tra này Công an thanh phố sẽ tự tổ chức hoặc lồng ghép với các hoạt động khác để kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận 3, quận 6 và quận 10, TP.HCM.
Trước đó, ngày 16/11, Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá- Bộ Công an và Công an TP.HCM phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và môi trường không khói thuốc lá tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận 6, TP.HCM.
Trong buổi sáng, đoàn giám sát đã tiến hành kiểm tra Nhà hàng Diamond palace (101 Lý Chiêu Hoàng, P10, Quận 6), Trung tâm hội nghị tiệc cưới Đại Hỷ Palace (136 Lý Chiêu Hoàng, Phường 10, Quận 6) và nhà hàng Túc Mạch (32 Lý Chiêu Hoàng, Phường 10, Quận 6).
Trong quá trình kiểm tra, giám sát đoàn đã tuyên truyền, phổ biến các quy định Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với nhà hàng, cách triển khai thực hiện xây dựng nhà hàng không khói thuốc. Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhà hàng là địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn.
Tại thời điểm kiểm tra các đơn vị đều có treo biển cấm hút thuốc, tuy nhiên số lượng còn hạn chế, một số phòng, khu vực không có biển cấm hút thuốc lá, các nhà hàng đều thiếu quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà của nhà hàng.
Đoàn giám sát đã nhắc nhở các đơn vị khẩn trương bổ sung các biển cấm hút thuốc, ban hành quy định cấm Chỉ hút thuốc trong nhà hàng, chấp hành tốt các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Các đơn vị được kiểm tra đã ghi nhận các ý kiến đóng góp của đoàn và hứa sẽ khắc phục trong vòng 7 ngày. Sau thời gian trên, đoàn kiểm tra lại và xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nói về tác hại của thuốc lá, đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhà hàng là địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn. |
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá.
Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Theo thống kê của Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi đã giảm từ 22,5% năm 2015, xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới giảm từ 45,3% năm 2015, xuống 42,3% năm 2020.
Trong những năm qua, với những nỗ lực của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cùng các bộ, ngành và địa phương, đã giúp công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3%, xuống 42,3%.
Với các kết quả như trên, theo ước tính của WHO, Việt Nam đã phòng tránh được 280 nghìn ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính, chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và mức giảm vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (giảm sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống còn 39%).
Theo chia sẻ của Giám đốc Tổ chức HeathBridge Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị An, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam còn cao và giảm chậm là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp.
Giá thuốc lá rẻ, làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo. Bên cạnh đó, trên thị trường, xuất hiện các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bên cạnh đó, do việc thực thi các quy định pháp luật, xử lý vi phạm còn yếu dẫn đến các hành vi vi phạm liên quan đến bán thuốc lá, quảng cáo/ khuyến mại thuốc lá, hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm,… vẫn còn phổ biến; thanh thiếu niên có thể mua thuốc lá dễ dàng mà không bị từ chối; giá thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức rất rẻ, dễ tiếp cận với thanh thiếu niên, người có thu nhập thấp,…
Trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc lá thế hệ mới nhưng chưa có quy định cụ thể để quản lý, xử phạt vi phạm, dẫn tới việc kinh doanh buôn bán và sử dụng tràn lan.
Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt, quản lý, xử lý các vi phạm liên quan. Có chế tài xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.
Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Luật Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nhằm cấm triệt để người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán và cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông, nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của các bậc cha mẹ, giáo viên trong nhà trường, trẻ em trong phòng chống tác hại của thuốc lá.