Đầu tư
Kiên Giang khó giải bài toán "loạn chủ đầu tư"
Huy Thịnh - 10/07/2013 16:18
Trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, Sở Xây dựng đề xuất nên quy chủ đầu tư các dự án công ở huyện, thị xã, thành phố về một mối, thay vì có nhiều chủ đầu tư như hiện nay, nhằm quản lý hiệu quả, tránh tiêu cực. Nhưng đề xuất này không được chính quyền địa phương và các ngành hưởng ứng.  
TIN LIÊN QUAN

“Loạn” chủ đầu tư

Thời gian qua UBND tỉnh Kiên Giang đã phân cấp cho UBND huyện/thị/thành (gọi chung là huyện) làm chủ đầu tư các dự án công (các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc cấp huyện quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước). Theo đó, UBND các huyện thành lập ra Ban quản lý của huyện để thẩm định, quản lý triển khai thực hiện một số dự án.

Công trình Kênh 3B ở huyện Tân Hiệp vừa bị phát hiện sai phạm

Một số dự án liên quan đến chuyên ngành quản lý của cấp huyện, UBND huyện giao cho một số Phòng quản lý chuyên ngành làm chủ đầu tư và quản lý dự án, như Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp….

Tiếp đó, Phòng chuyên ngành này thành lập ra Ban quản lý dự án, đôi khi giao cho đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư dự án, như trường hợp Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp.

Tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, ông Trần Ngọc Tính cho biết, qua kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng cơ bản cấp huyện trong năm 2012 cho thấy, có 2% công trình không đảm bảo chất lượng, 70% mẫu kết cấu bê tông trong các công trình có vấn đề khi thử nghiệm chịu lực theo thiết kế….

Điển hình là vụ tiêu cực trong thi công một số công trình tại huyện Tân Hiệp như Khu dân cư vượt lũ, khiến dư luận rất bức xúc.

Ông Tính cho biết thêm, chủ đầu tư hiện nay thường được hiểu là đơn vị thụ hưởng về sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho ngành mình. Chẳng hạn Phòng Giáo dục các huyện hiển nhiên là chủ đầu tư các công trình giáo dục, Phòng Y tế thì chủ đầu tư công trình y tế. Tuy nhiên, ở một số UBND huyện cũng làm chủ đầu tư các công trình này, Ban Quản lý dự án của huyện cũng thường xuyên được chỉ định làm chủ đầu tư một số công trình, dự án…

“Nguyên nhân của việc chất lượng một số công trình không đảm bảo là do hiện nay có quá nhiều chủ đầu tư tại các huyện. Hầu như mỗi công trình, dự án của huyện đều có một chủ đầu tư riêng. Do đó, việc quản lý chất lượng công trình gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tính nói.

Khó quy về một mối

Để chấm dứt tình trạng “loạn chủ đầu tư” như trên, Sở Xây dựng đề xuất nên gom lại một đầu mối duy nhất tại Ban Quản lý dự án của huyện. Giao cho cơ quan này làm chủ đầu tư toàn bộ công trình, dự án của mỗi huyện để dễ kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, đề xuất này của Sở Xây dựng không được các sở, ngành và Thường trực UBND tỉnh chấp thuận.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng cho rằng, nếu gom về một đầu mối như Sở Xây dựng đề nghị thì vai trò của Ban Quản lý dự án ở các huyện quá lớn. Mặt khác, cách làm này cũng dễ phát sinh tiêu cực, do ban quản lý huyện vừa làm chủ đầu tư, vừa thẩm định, giám sát, quản lý, kiểm định chất lượng công trình.

Nếu gom một đầu mối về UBND các huyện thì sẽ gặp khó trong khâu phê duyệt dự toán, thanh quyết toán giá trị các công trình, dự án. Bởi lẽ, nếu UBND huyện vừa phân bổ nguồn vốn vừa thanh toán là vi phạm các quy định về tài chính hiện hành.

Trước mắt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất phương án kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Quản lý dự án ở các huyện, trình UBND tỉnh xem xét quyết định trong quý III/2013.

“Việc này phải làm sớm, bởi lẽ tổ chức, bộ máy không ổn định, không có quy chế hoạt động, chế độ chính sách không thoả đáng là một trong những yếu tố làm phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng công trình bằng nguồn vốn ngân sách hoặc có tính chất ngân sách nhà nước tại các huyện/thị/thành trong tỉnh ”, ông Phạm Vũ Hồng nói.

Tin liên quan
Tin khác