Từ ngày 15/8, cả nước bắt đầu cấp thị thực điện tử (e-visa) và nâng thời hạn e-visa từ 30 lên 90 ngày cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ qua 13 sân bay, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (đường bộ) và Cửa khẩu cảng Dương Đông (TP. Phú Quốc, đường biển).
Đồng thời miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus lên 45 ngày.
Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp tour tuyến và nhà quản lý về du lịch, chính sách visa thông thoáng, cởi mở có tính chất đột phá này được kỳ vọng sẽ mang tới cho du lịch Việt nói chung và Kiên Giang nói riêng cơ hội mới để phát triển, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đặc biệt là chính sách thị thực tiếp sức, mở đường cho nhiều luồng khách mới, nhất là luồng khách chủ động, gia đình, khách đi nhóm nhỏ. Chính sách này cũng thúc đẩy, nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam nói chung, Kiên Giang nói riêng trong việc tiếp cận nguồn du khách quốc tế. Đó chính là đòn bẩy giúp ngành du lịch phát triển, tăng nhanh lượng du khách quốc tế đến Kiên Giang, vì vậy ngành du lịch tỉnh phát huy tính năng động, sáng tạo, nhất là vai trò của doanh nghiệp trong phục hồi, phát triển du lịch.
Toàn cảnh Thành phố Hà Tiên - Kiên Giang |
Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang cho biết thêm, tận dụng cơ hội này, Hiệp hội đã triển khai chương trình xúc tiến, quảng bá, kích cầu tại các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia, nhiều doanh nghiệp du lịch lớn đã xây dựng loạt sản phẩm mới với chiến lược bán xa, tour dài ngày hơn và đưa du khách đi nhiều nước sau đó về Việt Nam nghỉ dưỡng… Đồng thời đón các đoàn famtrip nước ngoài đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch, góp phần thu hút du khách quốc tế đến đảo Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và các hãng lữ hành cũng cho rằng, chính sách thị thực cũng chỉ là điều kiện cần. Để du lịch Việt Nam nói chung, Kiên Giang và các tỉnh trong vùng ĐBSCL phải hấp dẫn và đặc thù chuyên biệt hơn nữa, cần nâng cao tính cạnh tranh, tạo sức hút hơn đối với thị trường quốc tế, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ như sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; công tác xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn; chấn chỉnh tình trạng chèo kéo, “chặt chém” du khách để điểm đến an toàn hơn… Quan trọng nhất vẫn là chất lượng nguồn nhân lực du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả hoạt động của ngành du lịch.