Ngân hàng - Bảo hiểm
Kiến nghị điều chỉnh dự thảo sửa đổi Thông tư 01 phù hợp với thực tế
Thùy Vinh - 26/03/2021 14:27
Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa gửi NHNN có công văn số 19/HHNH-PLNV, báo cáo góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Sửa thông tư 01, cần phù hợp với thực tế

Theo VNBA, việc sửa đổi Thông tư 01 rất cần thiết trong bối cảnh chưa xác định được khi nào Chính phủ công bố hết dịch và diễn biến dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới còn rất phức tạp;

Việc sửa đổi sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải. VNBA tham gia ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 01, trong đó đặc biệt quan tâm và đề nghị sửa đổi một số nội dung.

Cụ thể, tại Điểm a Khoản 1 Điều 4 quy định “Phát sinh nghĩa vụ trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính”, các NHTM cho rằng, việc NHNN lấy mốc ngày 10/6/2020 là ngày Thủ tướng công bố hết giãn cách xã hội nhưng thực tế cho thấy, đó không phải là ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch.

Hơn nữa, theo VNBA, lấy mốc ngày 10/6/2020 sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc theo dõi và hạch toán kế toán. Vì vậy, đề nghị: "NHNN có thể điều chỉnh thành trước ngày 30/6/2020 để phù hợp với chế độ hạch toán kế toán của khách hàng cũng như của ngân hàng".

Còn tại Điểm b Khoản 1 Điều 4, cần cân nhắc đưa ra mốc thời gian từ ngày 21/3/2020 đến ngày 31/3/2021, các tổ chức tín dụng đều không hiểu mốc ngày 31/3/2021 là mốc thời gian nào? Cơ sở pháp lý khi đưa ra mốc ngày 31/3/2021 là như thế nào, trong khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO) thì đại dịch năm 2021 còn đáng lo ngại hơn năm 2020.

Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam hết dịch bệnh và các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng vẫn đang chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch gây ra. Hơn nữa, chưa có cơ sở nào cho thấy đến ngày 31/3/2021 hết dịch.

Để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai, tránh phải sửa đổi nhiều lần trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm ngày 31/3/2021, VNBA đề nghị: "NHNN nên giữ nguyên thời điểm như Thông tư 01 hoặc cẩn trọng hơn thì cho đến ngày 31/12/2021".

Đối với quy định về "Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ...” tại Điểm b Khoản 3 Điều 4, đề nghị NHNN giữ nguyên như Điểm b Khoản 3 Điều 4 tại Thông tư 01 vì thực hiện theo Thông tư sửa đổi thì các khoản vay trung, dài hạn sẽ tạo áp lực cho khách hàng, khi các kỳ hạn chưa trả trước đó sau khi cơ cấu sẽ phải phân kỳ trả nợ trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Điều này, dẫn đến khách hàng khó có khả năng trả nợ đúng hạn vì cho dù hết dịch bệnh thì khách hàng cần phải có thời gian khá dài để phục hồi, không thể phục hồi ngay mà trả nợ ngân hàng được, hơn nữa, rất khó khăn cho tổ chức tín dụng theo dõi, thực hiện theo Thông tư sửa đổi và Thông tư 01 đang áp dụng.

Đối với việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 và dự thảo Thông tư sửa đổi, VNBA cho là phù hợp.

Tuy nhiên, VNBA cũng lưu ý: Nếu phân loại nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhiều lần trong thời gian được phép 12 tháng phải thực hiện theo quy định hiện hành (Thông tư 02) thì các khoản nợ cơ cấu sẽ chuyển nhóm tương ứng và tổ chức tín dụng sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, trong khi khoản nợ vẫn có thể thu hồi được.

Nên giao TCTD đánh giá phân loại rủi ro khoản nợ

VNBA kiến nghị, nên quy định giao trách nhiệm cho tổ chức tín dụng đánh giá phân loại rủi ro đối với các khoản nợ có nguy cơ rủi ro thực sự đối với khoản nợ đã cơ cấu để trích dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02.

Lý do, không ai hiểu tính chất khoản nợ bằng tổ chức tín dụng nên giao cho tổ chức tín dụng tự xác định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và trích tối đa trong 3 năm, đồng thời phải báo cáo NHNN hàng tháng kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.

Với quy định như dự thảo Thông tư về "giữ nguyên nhóm nợ, phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro" sẽ dẫn tới việc khách hàng gặp khó khăn cho vay mới trong điều kiện tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro, không loại trừ khả năng khó thực hiện, các tổ chức tín dụngsẽ áp dụng luôn Thông tư 02 và lúc đó khách hàng sẽ phản ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Vì vậy, VNBA đề nghị: NHNN cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi vừa an toàn hệ thống, đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa dễ cho tổ chức tín dụng thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vượt qua đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, từ ngữ trong Thông tư sửa đổi cần được viết, diễn đạt một cách mạch lạc, dễ hiểu, thuận tiện khi triển khai cũng như làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra để không xảy ra tranh luận không cần thiết, hơn nữa cũng để cho doanh nghiệp có thể hiểu được để kiểm soát các tổ chức tín dụng khi triển khai.

Đồng thời, khi đưa ra mốc thời gian áp dụng cụ thể cần nêu rõ cơ sở pháp lý đặt mốc thời gian quy định nhằm tránh phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Với các ý kiến nghị đóng góp nêu trên, VNBA vọng sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông 01 đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động của các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trước đó, trả lời về vấn đề tại sao đến nay Thông tư 01 vẫn chưa được sửa đổi, Phó Thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú cho biết, Thông tư 01 là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. 

Theo ông Tú, hiện Việt Nam kiểm soát dịch tốt nhưng với các nước trên thế giới đó vẫn là câu chuyện phức tạp. Khó khăn trong giao thương khiến các doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và cần hỗ trợ để phục hồi.

Ngay trong phương hướng năm nay, NHNN cũng coi việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do COVID-19 là một trong những mục tiêu quan trọng.

"Do vậy, việc sửa Thông tư 01 cũng theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng, kể cả trong ngắn hạn cũng như sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong trung hạn", ông Tú khẳng định.

Hiện, NHNN và Bộ Tài chính đang thống nhất trình dự thảo sửa đổi Thông tư 01 (mới) theo hướng sẽ tiếp tục cho phép giữ nguyên nhóm nợ để doanh nghiệp tiếp tục được vay nợ với lãi suất bình thường như trước đây.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu trích lập dự phòng rủi ro căn cứ vào bản chất của các khoản nợ đó. Lộ trình trích lập dự phòng rủi ro là 3 năm bắt đầu từ năm 2021, nhằm tránh gây ra "cú sốc" về lợi nhuận.

Tin liên quan
Tin khác