Ngày 23/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá.
Theo ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động).
Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD. Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phát biểu tại Hội nghị, |
Hàng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá, cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính, mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá, thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12 nghìn đến 47 nghìn tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Để giảm sử dụng thuốc lá nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thuế thuốc lá trong bối cảnh thuế thuốc lá ở Việt Nam vẫn thấp. ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết, Việt Nam vẫn là một trong những nước áp dụng mức thuế thuốc lá rất thấp (38,8% giá bán lẻ) trong khu vực Asean và các nước phát triển.
Theo khuyến nghị của WHO, mức thuế đối với thuốc lá phải là 75% giá bán lẻ. Tại Việt Nam, ước tính năm 2020 chi 9.000 tỷ đồng cho mua thuốc lá và 5.600 tỷ đồng chi cho chi phí điều trị nhiều nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá - hô hấp trên) do thuốc lá gây ra. Vì vậy, cần có biện pháp ngăn ngừa để giảm tác hại do thuốc lá gây ra.
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cũng cho rằng, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới
Để thúc đẩy hiệu quả trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương mong rằng các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ tăng cường truyền thông về việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều đề xuất cần sớm ban hành nghị quyết cấm lưu hành thuốc lá điện tử bởi một số liệu đáng lo ngại khi mỗi tháng có thêm 10,5 thương hiệu và 242 hương liệu mới thuốc lá điện tử. Đây là mối lo lắng rất lớn của các bậc cha mẹ khi giới trẻ ngày càng sa đà vào nghiện thuốc lá điện tử.
Về phía cơ sở y tế điều trị, tại Hội nghị TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã chia sẻ những video ấn tượng về tác hại của thuốc lá làm tàn phá thể chất, tinh thần của người nghiện thuốc lá.
Bằng những kiến thức từ kinh nghiệm chuyên môn và tổng hợp thực tế, cập nhật tình hình, thực trạng quản lý hiện nay, TS.Nguyễn Trung Nguyên cho biết, thành phần hóa chất, ma túy của thuốc lá điện tử phức tạp hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.
Cần sa tổng hợp đang và sẽ là nhóm ma túy lớn nhất, phức tạp nhất và thách thức nhất trong nhiều năm tới, trong đó, thuốc lá điện tử (vape) là môi trường tồn tại chính của ma túy cần sa tổng hợp.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm thuốc lá điện tử. Tại Mỹ từ năm 2020, các hương liệu (trừ bạc hà, hương thuốc lá) bị cấm trong thuốc lá điện tử. Hiện quốc gia này đang xem xét nguy cơ hương vị thuốc lá, bạc hà.
Ủy ban Châu Âu và Canada cũng làm tương tự. Riêng Trung Quốc đã cấm tất cả các thuốc lá điện tử chứa hương liệu từ năm 10/2022.
Thuốc lá điện tử hoàn toàn có hại sức khỏe, mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát. Nghiện thuốc lá điện tử gây ra một loạt bệnh tật mới và gây chi phí khổng lồ cho y tế.
“Vì vậy, cần ngay lập tức cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Cần cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi", TS.Nguyên nhấn mạnh.
Theo TS.Nguyên, tại Trung tâm chống độc hầu như tuần nào cũng tiếp nhận ca bệnh ngộ độc thuốc lá điện tử đến điều trị, đặc biệt ở độ tuổi còn trẻ.
Về phía Tổ chức Y tế thế giới, ThS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO khuyến nghị Quốc hội cần ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sửa đổi để cấm thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, để ban hành được luật thì mất nhiều thời gian, nên WHO khuyến cáo trước mắt cần ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất và bán sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Việc này càng sớm càng tốt và giao cho cơ quan có trách nhiệm thực thi lệnh cấm. Đồng thời phải có nghị quyết mới có chế tài để ngăn chặn tiếp tục gia tăng thuốc lá mới trong giới trẻ, nhằm bảo vệ, ngăn chặn thế hệ trẻ tương lai của đất nước nghiện nicotine. Sau khi ban hành Nghị quyết, cần bổ sung điều khoản này vào Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sửa đổi.