Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. |
Đây là một trong những kiến nghị đáng chú ý trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Quốc hội khóa XV về tình hình triển khai thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Ủy ban Kinh tế cho biết, theo báo cáo tiền khả thi và khả thi của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, khi dự án hoàn thành, hầu hết 80% lưu lượng hành khách quốc tế đi và đến sân bay này đều có nhu cầu đi đến TP.HCM.
Trong khi đó, hiện các tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến TP.HCM đều trong tình trạng quá tải. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai sớm Dự án mở rộng đường cao tốc kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM để đảm bảo hiệu quả Dự án khi đưa vào khai thác.
Được biết, hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đề xuất phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Cần phải nói thêm rằng, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trong đó đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Quốc lộ 51 có quy mô 4 làn xe đang trở thành một trong những điểm nghẽn lớn sau gần 6 năm đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, với tư cách là tuyến đường bộ kết nối quan trọng nhất giữa TP.HCM và Đồng Nai, áp lực giao thông trên đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn An Phú – Quốc lộ 51 sẽ lên đến cực điểm sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác vào cuối năm 2025
Theo đề xuất được gửi đi vào giữa tháng 9/2022, VEC tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT (cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông); Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện chủ sở hữu phần), chấp thuận phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với phạm vi mở rộng là Km4+000 -:- Km25+920 (nút giao vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), chiều dài khoảng 21,92km.
Đoạn tuyến này sẽ được mở rộng với quy mô 8 làn xe có xét đến phân kỳ đầu tư kết cấu công trình cầu (móng, mố, trụ 10 làn xe) (phương án 8+), trong đó đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (Km4+000 -Km8+770) sẽ mở rộng với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.
Đối với đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 -:- Km25+920) được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đề xuất đầu tư mở rộng với quy mô phần đường là 8 làn xe, phần cầu (kết cấu phần dưới 10 làn xe, kết cấu phần trên 8 làn xe) và giai đoạn 2 sẽ đầu tư mở rộng với lên quy mô 10 làn xe theo quy hoạch tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Riêng đối cầu Long Thành, với đơn nguyên cầu mới, VEC đề xuất trong giai đoạn 1 phạm vi cầu dẫn (kết cấu phần dưới là 5 làn xe và kết cấu phần trên là 4 làn xe) và cầu chính là 5 làn xe; giai đoạn 2 sẽ đầu tư mở rộng hoàn chỉnh cầu dẫn lên 5 làn xe. Đối với cầu Long Thành hiện hữu, đơn vị đề xuất dự án kiến nghị không đầu tư mở rộng cầu và kiến nghị tổ chức giao thông châm trước 5 làn xe.
Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư mở rộng 21,92km cao tốc TP.HCM – Long Thành dự kiến là 13.882,97 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm, việc mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành có thể hoàn thành vào quý III/2026, chỉ chậm hơn 1 chút so với thời gian khai thác sân bay Long Thành.