Ngân hàng - Bảo hiểm
Kiều hối dịch chuyển vào bất động sản
Thùy Vinh - 15/10/2015 08:16
Thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên được xem là cơ hội để các kiều bào gửi tiền về đầu tư. Đồng thời, việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà từ ngày 1/7 cũng là động lực “hút” nguồn vốn ngoại vào lĩnh vực này.
Dự báo, kiều hối năm nay sẽ tăng trưởng ổn định.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đưa ra cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối về khu vực TP.HCM ước đạt 3,250 tỷ USD, cả năm 2015 dự kiến đạt 5,5 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh là 70,6%, vào bất động sản khoảng 20,7%. Lượng kiều hối về TP.HCM thường chiếm tỷ lệ khá cao so với cả nước và năm 2015 có thể chiếm tới 50%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, một điểm khá quan trọng trong việc thu hút lượng kiều hối gần đây cũng như thời gian sắp tới, đó là sự hồi phục của thị trường bất động sản tạo điều kiện thu hút kiều hối. Bất động sản chính là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối năm 2014.

Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản ấm lên trong thời gian gần đây đã tác động đáng kể đến dòng chảy kiều hối. Mặt khác, các kênh đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm, tỷ giá, vàng không còn hấp dẫn như trước, nên nguồn kiều hối lựa chọn bất động sản cũng có lý do.

Bất động sản được xem là lĩnh vực nổi trội có dấu hiệu hút kiều hối trở lại

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, nguồn kiều hối về nước không còn mặn mà với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng như trước đây, khi lãi suất USD giảm về bằng 0%, mà bắt đầu xu hướng tìm kênh đầu tư hiệu quả. Trong đó, bất động sản được xem là lĩnh vực nổi trội có dấu hiệu hút kiều hối trở lại.

Theo lãnh đạo Công ty Kiều hối Đông Á, bất động sản và chứng khoán hồi phục không những làm tăng lượng kiều hối, mà còn cả những nguồn vốn nước ngoài khác vào Việt Nam, đặc biệt là khi Luật Kinh doanh bất động sản đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà. Tuy nhiên, lượng kiều hối đổ vào bất động sản khó tăng đột biến, nên chưa thể kỳ vọng thị trường nhà đất ấm lên trong những tháng cuối năm nếu chỉ chờ vào kiều hối.

Để có thể thu hút được nguồn kiều hối vào bất động sản nhiều hơn, một lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tài chính cho rằng, cần chú trọng việc tăng cầu cho thị trường bằng chính sách thông thoáng đối với bên mua là bà con kiều bào ở hải ngoại.

Các công ty kiều hối dự báo, kiều hối năm nay sẽ tăng trưởng ổn định. Theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8 và lại tăng mạnh vào mùa cao điểm tháng 12, thường tăng 20 - 25% so với các tháng trong năm.

Với việc năm 2015 người lao động có thể tự do đi lại trong nhóm nước ASEAN, các chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, kiều hối vào khu vực này ước tính vượt 148 tỷ USD trong năm 2016. Thực tế, những năm gần đây, một yếu tố hỗ trợ rất lớn cho doanh số kiều hối là từ lực lượng các lao động xuất khẩu lao động. Do vậy, việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động, mở rộng thị trường có chất lượng cao cũng sẽ góp phần “bơm nước” vào kênh kiều hối.

Tin liên quan
Tin khác