Đấy cũng chính là lý do mà King’s Cup không đá vòng tròn 1 lượt, như những giải đấu tứ hùng (có 4 đội tham dự) khác vẫn diễn ra. Bởi, nếu đá theo kiểu vòng tròn 1 lượt, để tất cả các đội đều được gặp nhau, hòng đảm bảo tính công bằng, King’s Cup sẽ phải có 3 lượt trận, và sẽ có ít nhất 1 lượt trận lệch khỏi những ngày “FIFA days”.
Thành ra, King’s Cup dù là giải tứ hùng, nhưng lại diễn ra theo thể thức rất lạ, đó là các đội phân cặp đá 2 trận bán kết, đội thắng ở bán kết đá chung kết, còn 2 đội thua ở bán kết đá trận tranh hạng ba.
Với thể thức đấy, King’s Cup chỉ còn gói gọn trong 2 lượt trận, rơi đúng vào những ngày FIFA cho phép các đội tuyển quốc gia tập trung, gom quân từ các CLB để đá giao hữu quốc tế. Thành ra, chuyện giới bóng đá Thái Lan quảng cáo King’s Cup được FIFA đánh giá cao chỉ là mượn… mác FIFA để lên đời cho giải.
Về mặt tính chất, King's Cup không khác với các cặp đấu giao hữu riêng lẻ diễn ra trong những ngày "FIFA Days"
Còn về mặt tính chất và bản chất, King’s Cup không hề khác với mọi trận đấu giao hữu quốc tế sẽ diễn ra trên khắp thế giới từ ngày 5 – 8/6 tới đây. Giả sử, giải đấu sắp diễn ra ở đất Chùa Vàng chệch ra khỏi những ngày “FIFA days”, Thái Lan khó mà mời được các đội bóng khác tham dự.
Và do tính chất của King’s Cup cũng chỉ giống các trận đấu giao hữu riêng lẻ khác, nên hầu hết các đội tham dự giải xưa nay cũng đều mang tính chất… giao hữu.
Không phải thắng ở King’s Cup không mang lại niềm vui. Bất cứ chiến thắng nào trong bóng đá cũng vui hết, nhưng đã là giao hữu thì không phải là thước đo cho chất lượng chuyên môn của các đội bóng, các nền bóng đá tham dự các trận đấu đấy, giải đấu đấy.
Trước đây, còn có cả trường hợp một số nền bóng đá không cử đội tuyển quốc gia nước họ dự King’s Cup, khi được mời, mà chỉ cử đội bóng dạng tập hợp các ngôi sao ở giải trong nước. Ví dụ như trường hợp của đội Scandinavian league của Thuỵ Điển năm 2013, 2003, 2001 và 1997 – tức là các ngôi sao của giải vô địch Thuỵ Điển những năm đó, hoặc đội Denmark League XI năm 2009, tức đội các ngôi sao giải vô địch Đan Mạch.
Các trận đấu có sự tham dự của các đội bóng đấy, dù có diễn ra đúng chuỗi ngày “FIFA days” cũng không bao giờ được FIFA tính điểm trên bảng xếp hạng của Liên đoàn bóng đá thế giới, bởi FIFA không công nhận các trận đấu giữa đội tuyển quốc gia với các CLB, hoặc giữa đội tuyển quốc gia với các đội bóng không phải đội tuyển quốc gia.
Thành ra, trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan tại King’s Cup cũng chỉ nên xem là một trận đấu giao hữu như bao trận giao hữu khác, diễn ra đúng vào những ngày có lịch thi đấu quốc tế thống nhất toàn cầu.
Không đá với Thái Lan thì đội tuyển Việt Nam vẫn có thể đá với bất kỳ đội bóng nào khác trong những ngày này, do tính chất của những ngày “FIFA days” đem đến lợi thế cho các đội bóng ở chỗ rất dễ chọn đối tượng thi đấu, vì đã có lịch sẵn, các đội khác cũng thường đã chuẩn bị sẵn, mà tính chất giao hữu cũng chẳng hề thay đổi!