Tài chính - Chứng khoán
Kinh Bắc dự kiến mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ
Thanh Huyền - 27/12/2022 09:08
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc) sẽ mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, hủy phương án phát hành tăng vốn trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm, nhiều khoản vay trái phiếu sắp đến thời điểm đáo hạn.

Giảm vốn, hủy phát hành tăng vốn dù vay nợ lớn

Ngày 28/12, Kinh Bắc sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 nhằm thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kế hoạch kinh doanh năm 2023 và việc mua lại cổ phiếu giảm vốn điều lệ.

Cụ thể, Kinh Bắc dự kiến mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, với tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua là 100 triệu đơn vị, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn vốn thực hiện mua lại từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tại thời điểm thực hiện.

Đồng thời, HĐQT Kinh Bắc muốn xin ý kiến cổ đông thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 10/2/2022.

Đây là động thái đáng chú ý, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về an toàn tài chính của Kinh Bắc trong bối cảnh các khoản vay của Kinh Bắc sắp đến thời điểm đáo hạn.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022, tại ngày 30/9/2022, tổng nguồn vốn của Kinh Bắc đạt 33.338 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 18.641 tỷ đồng, chiếm 56% tổng nguồn vốn.

Nợ phải trả của Kinh Bắc tại ngày 30/9/2022 là 14.696,7 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn  3.534,7 tỷ đồng, cao gấp 2,33 lần so với cuối năm 2021; vay dài hạn giảm mạnh, còn 3.428,9 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nợ của Kinh Bắc đang ghi nhận khoản dư nợ trái phiếu trị giá 3.900 tỷ đồng, có 3 lô đến hạn trả (2023) trị giá 2.900 tỷ đồng. Được biết, 3/4 lô trái phiếu của Công ty đang có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của công ty con của Kinh Bắc sở hữu.

Một chỉ dấu khác cũng cho thấy Kinh Bắc đang gặp áp lực về dòng tiền. Đó là lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh âm 936 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 504 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản có quy mô 33.338 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho của Kinh Bắc đang chiếm tỷ trọng lớn.

Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 10.888 tỷ đồng, chiếm 33% tổng tài sản. Hàng tồn kho hơn 11.979 tỷ đồng, chiếm 35,93% tổng tài sản, chủ yếu là tiền sử dụng đất, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, chi phí lãi vay vốn hóa và các chi phi khác từ nhiều dự án, trong đó lớn nhất là dự án Khu công nghiệp và đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) với 7.698,7 tỷ đồng. Phần lớn hàng tồn kho của Kinh Bắc được sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn.

Còn nhiều tài sản để thế chấp cho các khoản vay

Sau 9 tháng đầu năm 2022, Kinh Bắc mới chỉ ghi nhận 1.289 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.135 tỷ đồng lãi sau thuế, tương đương 13% và 47% so với kế hoạch năm. Đáng nói là, phần lớn doanh thu của Kinh Bắc trong năm nay đến từ khoản lãi chênh lệch khi tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng - công ty liên kết của Kinh Bắc.

Kinh Bắc dự kiến mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, với tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua là 100 triệu đơn vị, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

 

Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 9.800 tỷ đồng và 4.500 tỷ đồng, tăng 122% và 372% so với năm 2021.

Trong báo cáo được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố đầu quý IV/2022 về hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc, công ty chứng khoán này dự báo, năm 2022, tổng doanh thu của Kinh Bắc đạt 2.985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.044 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 30,5% và 68% kế hoạch năm.

Theo nội dung trình Đại hội đồng cổ đông bất thường sắp tới, Kinh Bắc sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2023 “đi lùi” so với kế hoạch năm 2022, với mục tiêu doanh thu hợp nhất là 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.000 tỷ đồng.

Về triển vọng kinh doanh, Kinh Bắc cho biết đang làm việc với các đối tác, ước tính khả năng cho thuê đạt 200 ha trong năm 2023 tại các dự án khu công nghiệp, bao gồm Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, Tân Tập, Lộc Giang, các cụm khu công nghiệp ở Long An, Hưng Yên và đặc biệt Khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng giai đoạn III. Kinh Bắc dự kiến sẽ mở rộng quỹ đất trong giai đoạn tới do được phê duyệt mới 3 khu công nghiệp có diện tích khoảng 3.000 ha.

Ban lãnh đạo Kinh Bắc nhận định, tình hình kinh tế năm 2023 sẽ có nhiều diễn biến khó lường và còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Công ty đang có nhiều lợi thế, như quỹ đất rộng, còn nhiều tài sản để thế chấp cho các khoản vay ngân hàng.

Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect về ngành bất động sản khu công nghiệp, VNDirect đánh giá, Kinh Bắc có ưu thế nhờ có quỹ đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê khá lớn với Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 có khả năng đi vào hoạt động từ năm 2023. Bên cạnh đó, Kinh Bắc đang giữ vị trí dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với một số “ông lớn” ngành công nghệ trong danh mục khách thuê, bao gồm Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Quế Võ, LG Electronics tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu.

Tin liên quan
Tin khác