Chuyển động thị trường
Kinh đô Huế tìm chủ đầu tư cho các khu đất “vàng”
Việt Hương - 03/04/2022 09:47
Thừa Thiên Huế đã cho di dời trụ sở một số cơ quan nhà nước tại khu đất trung tâm TP. Huế để nhường chỗ đón “sếu đầu đàn” về đầu tư dự án lớn.
Ảnh minh họa.

Cân nhắc vị trí biệt thự cổ

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP. Huế cho biết, từ đầu năm 2022, các cơ quan nhà nước đóng ở trục đường Lê Lợi (TP. Huế), đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Hoàng Hoa Thám đã di dời nơi làm việc, nhường vị trí đất “vàng” để tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư, tạo động lực thay đổi diện mạo đô thị.

Cụ thể, các vị trí khu đất số 22 - 24 và số 26 - 30A đường Lê Lợi đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xúc tiến, tìm nhà đầu tư từ tháng 5/2021.

Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào các khu đất này là xây dựng khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp đạt tiêu chuẩn 5 sao; phương án kiến trúc mang phong cách Pháp, tân cổ điển, Art Nouveau... hài hòa không gian cảnh quan khu vực với các công trình lân cận, tạo điểm nhấn tại khu vực hai bên bờ sông Hương.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngôi nhà Pháp tọa lạc tại số 26 - Lê Lợi không thuộc danh mục kiến trúc Pháp cần bảo tồn tại Huế. Tuy nhiên, do đây là ngôi nhà có kiến trúc đẹp, nên UBND tỉnh đã có chủ trương nghiên cứu giữ lại bằng cách di dời đến khu đất phía đối diện.

“Kinh phí để di dời ngôi nhà này dự kiến được kêu gọi xã hội hóa từ những tổ chức, cá nhân tâm huyết, có tấm lòng yêu Huế, chứ không dùng ngân sách”, ông Nguyễn Văn Phương nói.

Trong đó, khu đất số 22 - 24 gồm 3 khu nhà làm việc với tổng diện tích xây dựng hơn 4.800 m2; khu đất còn lại gồm 5 khu nhà làm việc với tổng diện tích 6.200 m2.

Khu đất số 26 - 30A đang vướng bởi biệt thự Pháp được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ XIX. Trước đó, do bị xuống cấp, tòa biệt thự này đã được sửa chữa và vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu với điểm nổi bật, nên nhiều người rất muốn giữ lại để lưu giữ nét văn hóa kiến trúc đặc trưng cho Huế.

Theo lãnh đạo Thành ủy TP. Huế, đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa có phương án chính thức quyết định “số phận” của căn biệt thự tại khu đất số 26 - 30A, đường Lê Lợi. Có 3 phương án được đưa ra, trong đó, tỉnh có gợi ý để TP. Huế nghiên cứu, mời “thần đèn” Nguyễn Văn Cư (người gốc Huế, đang sống tại TP.HCM) giúp di dời căn biệt thự này sang khu đất đối diện.

Được biết, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư khẳng định: “Nếu được tin tưởng giao phó, tôi chắc chắn làm được”.

Nhấn mạnh đường Lê Lợi là một trong những trục đường rất đẹp và có giá trị tại TP. Huế, ông Phan Thiên Định cho rằng, trên tuyến đường này, cần có những công trình, dự án đẹp và đẳng cấp.

Đất “vàng” phải trao đúng chủ

Trong quyết định kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế, tại khu đất số 22 - 24 đường Lê Lợi kêu gọi dự án với tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, xây dựng khách sạn đảm bảo đạt tối thiểu 270 phòng, có phòng hội nghị 500 m2 trở lên; phòng họp, khu nhà hàng sân vườn, khu dịch vụ nhà hàng và quầy uống, khu vực dành cho gym - spa - yoga, khu vực quán cà phê - thư giãn, khu vực hàng lưu niệm, bể bơi và một số dịch vụ khác.

Tại khu đất số 26 - 30A đường Lê Lợi, kêu gọi dự án khách sạn với mức đầu tư trên 700 tỷ đồng. Trong đó, 4 mặt tiền đường phải bố trí khu vực thương mại dịch vụ, tạo không gian thoáng để kết nối với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi và bờ sông Hương; khu vực giữa là sân vườn, cảnh quan thiên nhiên xanh để tạo sự thoáng đãng, quầy bar và một số chức năng khác như thư viện, quán cà phê. Khách sạn đảm bảo khoảng 250 - 300 phòng, có nhà hàng, bể bơi, phòng hội nghị…

Theo quy hoạch, mật độ xây dựng dưới 65%, chiều cao đối với trục đường Lê Lợi từ 18 m trở xuống với khoảng cách dưới 14 m tính từ chỉ giới đường đỏ đường Lê Lợi, chiều cao toàn bộ công trình không quá 32 m nếu cách đường Lê Lợi sau 14 m. Bên cạnh đó, việc xây dựng phải bảo đảm độ lùi từ 6 m trở lên đối với chỉ giới đường đỏ đường Lê Lợi; từ 3 m đối với các trục đường còn lại.

Đây là khu đất hẹp, nên nhiều chuyên gia xây dựng cho rằng, rất khó để kêu gọi đầu tư tổ hợp khách sạn cao cấp.

Được biết, trên hai khu đất số 22 - 24 và số 26 - 30A đường Lê Lợi, hiện có tổng cộng 22 công trình xây dựng chính là các văn phòng làm việc và 27 hạng mục công trình phụ là các nhà bảo vệ, nhà để xe… Vì vậy, Nhà nước bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức cho thuê đất 50 năm thu tiền một lần cho cả thời hạn thuê.

Về căn biệt thự tại khu đất số 26 đường Lê Lợi, kiến trúc sư Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Đây không phải công trình đặc biệt, nên cũng không nhất thiết phải giữ lại bằng mọi giá”.

Được biết, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm các khu đất “vàng” tại TP. Huế, khi tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn thu hút những nhà đầu tư đủ tiềm lực để thực hiện dự án đẳng cấp về du lịch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Huế. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế vẫn chưa “chốt” được nhà đầu tư vì còn vướng công trình biệt thự cổ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Thiên Định cho biết, vừa qua, địa phương phải đối mặt với thời gian dài gặp khó vì diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch cũng đang đối mặt với thách thức, nên việc triển khai có gặp khó khăn. Nhưng với chiều sâu và chiều dài phát triển du lịch Huế, thì các khu đất nêu trên là khu vực có tiềm năng để phát triển dịch vụ.

Theo ông Định, hiện có rất nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, nhưng bài toán cần giải là làm sao để có một phương án kiến trúc tốt, quy hoạch kiến trúc nhằm đảm bảo, bảo vệ cảnh quan sông Hương và cảnh quan của Thành phố, phù hợp với nguồn lực tài chính khi đầu tư.

“Trong số các nhà đầu tư đến tìm hiểu, có vài doanh nghiệp tâm đắc với khu đất và đang cùng với tỉnh, đơn vị tư vấn và các chuyên gia bàn bạc, cân đối hài hòa”, ông Phan Thiên Định cho hay.

Tin liên quan
Tin khác