Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của TP.HCM cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Thành phố bắt đầu chậm lại khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 360.622,1 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, đóng góp tăng trưởng lớn nhất đến từ khu vực thương mại dịch vụ tăng (2,07%), khu vực nông lâm thủy sản (tăng 2,06%) và %); thuế sản phẩm (tăng 1,14%).
Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% (công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80).
Đáng chú ý, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm.
Kinh doanh bất động sản của TP.HCM đứng đầu bảng tăng trưởng âm với mức suy giảm 16,2%. Ảnh: Lê Toàn |
Trong đó, kinh doanh bất động sản đứng đầu bảng với mức suy giảm 16,2%. Các ngành còn lại là y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%; thông tin và truyền thông giảm 2,70% và vận tải kho bãi giảm 0,63%.
Theo đánh giá của UBND TP.HCM, không ngoài những dự báo, trước những tác động của kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế Thành phố tiếp tục đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Thành phố không đạt chỉ tiêu.
Đặc biệt, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.
Trong quý II/2023, UBND Thành phố cho biết sẽ tập trung vào 12 nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế Thành phố.
Riêng với thị trường bất động sản, Thành phố sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; tổ chức rà soát, có phương án hiệu quả xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố;...
Ngoài ra, Thành phố sẽ tổ chức thi tuyển ý tưởng Quy hoạch không gian xây dựng ngầm khu vực trung tâm hiện hữu thành phố (930 ha) và Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (657 ha).
Thành số cũng tiến hành xây dựng Đề án phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Thủ Đức, UBND các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch Đô thị dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 để phục vụ kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất, mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố.