Sức khỏe doanh nghiệp
Kinh doanh của SASCO chờ... những chuyến bay
Lâm Vũ - 20/11/2021 08:09
Việc các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế được nối lại sẽ là tiền đề quan trọng để Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) phục hồi hoạt động kinh doanh.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, SASCO gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Lợi nhuận giảm, dòng tiền sụt giảm

Trong bối cảnh ngành hàng không khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, SASCO vừa tiếp tục trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan.

Báo cáo tài chính tổng hợp của SASCO cho biết, trong quý III/2021, doanh thu thuần chỉ đạt 57,4 tỷ đồng, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của SASCO trong quý III/2021 cũng giảm 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 22,8 tỷ đồng.

Kết quả này phần nào đã được dự báo trước trong bối cảnh hoạt động vận tải hành khách trong nước và quốc tế gần như ngưng trệ hoàn toàn trong suốt quý.

Trong bối cảnh kinh doanh chính khó khăn, hoạt động tài chính trở thành điểm sáng khi thu về 34,86 tỷ đồng doanh thu nhờ phần cổ tức, lợi nhuận được chia tăng vọt. Dù chi phí tài chính cũng gia tăng do diễn biến tỷ giá bất lợi, nhưng sự tăng đột biến này vẫn giúp lợi nhuận tài chính đạt 24,89 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 15,7 tỷ đồng của quý III/2020.

Tuy vậy, chi phí bán hàng tăng, trong khi không còn khoản hoàn nhập chi phí thuê mặt bằng như cùng kỳ, nên SASCO chỉ ghi nhận 2,1 tỷ đồng lợi nhuận trước và sau thuế trong quý vừa qua, giảm đến 95% so với quý III/2020.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 6/2021, xác định trước tình hình kinh doanh sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi dịch Covid-19 tái bùng phát, HĐQT của SASCO khá thận trọng khi trình và được cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần 895,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 17,15 tỷ đồng, giảm 2,44% về doanh thu, nhưng giảm tới 88,5% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2020.

Kế hoạch kinh doanh được HĐQT Công ty đặt ra trên cơ sở kỳ vọng các chuyến bay nội địa được phục hồi trong năm 2021 và các chuyến bay quốc tế được khai thác trở lại từ tháng 7/2021 theo lộ trình được Cục Hàng không đưa ra vào tháng 3/2021. Tuy vậy, diễn biến phức tạp của đợt Covid-19 thứ tư đã ảnh hưởng mạnh đến tiến trình phục hồi, khiến khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay gặp khó.

Lợi nhuận giảm, dòng tiền kinh doanh âm 1,6 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm nay, trong khi Công ty phải chi đầu tư mua sắm tài sản (21,3 tỷ đồng) và tiếp tục chi trả cổ tức 80 tỷ đồng vào tháng 4/2021. Theo đó, số dư tiền gửi có kỳ hạn đã giảm còn 355 tỷ đồng, từ mức 432 tỷ đồng hồi đầu năm.

Chờ ngành hàng không phục hồi

SASCO là doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ hàng không với các hoạt động kinh doanh bán hàng miễn thuế, phòng chờ sân bay, nhượng quyền thương hiệu và bán lẻ thực phẩm, đồ uống tại sân bay (hoạt động thương mại).

Sự hỗ trợ của cổ đông nhà nước là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) và cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) giúp Công ty sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, nhất là việc gần như độc quyền trong mảng bán hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay có lưu lượng hành khách đến và đi lớn nhất cả nước.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng lượng hành khách của các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển trong tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2021 lần lượt giảm 95,9%; 97,1% và 99% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, SASCO đều đặn có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động tối đa công suất và tăng trưởng lưu lượng hành khách chậm lại, Công ty đã mở rộng thị trường hoạt động sang sân bay Cam Ranh với 2 phòng chờ hạng thương gia và cung cấp dịch vụ ăn uống, suất ăn cho ngành vận tải đường sắt.

Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã đẩy tình hình kinh doanh của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, khi doanh thu, lợi nhuận đều sụt giảm mạnh. Tuy vậy, sau gần 2 năm bĩ cực do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin tại các quốc gia  cũng như Việt Nam đang mang đến triển vọng phục hồi cho các doanh nghiệp ngành hàng không nói chung và SASCO nói riêng.

Cụ thể, vào tháng 9/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất nối lại các chuyến bay nội địa theo lộ trình 3 giai đoạn. Đối với các đường bay quốc tế, Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang xem xét cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước, vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Đồng thời, việc xem xét công nhận “hộ chiếu vắc-xin” cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng để có thể phục hồi lưu lượng khách quốc tế đến với Việt Nam.

Với đặc thù kinh doanh phụ thuộc vào lượng khách tại thị trường chính là Sân bay Tân Sơn Nhất, việc các chuyến bay thương mại trong nước và quốc tế được nối lại sẽ là tiền đề quan trọng để SASCO phục hồi hoạt động kinh doanh chính.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch cho phép một số điểm đến đón khách nước ngoài đã được tiêm chủng đẩy đủ nhằm phục hồi hoạt động du lịch, Phú Quốc đang nằm trong nhóm dự kiến được thực hiện đầu tiên. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh khách sạn, dịch vụ xe du lịch, vận chuyển hành khách của SASCO.

Tuy vậy, sự phục hồi của ngành hàng không dự báo diễn ra chậm do dịch bệnh còn phức tạp, trong khi nhiều người còn lo ngại về những quy định chưa thống nhất giữa các địa phương về cách ly, yêu cầu tiêm vắc-xin…, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu bay.

Tin liên quan
Tin khác