Doanh nghiệp
Kinh doanh du lịch: Vỡ mộng chuỗi cung ứng khép kín
Anh Vũ - 11/04/2015 09:22
Việc các công ty dịch vụ du lịch bắt tay với đối tác nhằm hình thành chuỗi cung ứng khép kín, gia tăng cạnh tranh là xu hướng không mới và đã cho không ít trái ngọt. Nhưng nếu quản trị không tốt, các doanh nghiệp du lịch sẽ vỡ mộng đau đớn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tiền Giang nghiên cứu đưa vào khai thác nhiều điểm du lịch
Quảng Nam: Phát triển 16 làng nghề truyền thống
Đối mặt với chỉ trích dịch vụ
Chọn cách chơi để bảo vệ thị phần
Thành công nhờ nghĩ khác

Mùa du lịch cao điểm đang đến gần. Các doanh nghiệp (DN) lữ hành không những bị cháy tour trong và ngoài nước, mà còn đối mặt với những rủi ro từ phía đối tác. Chẳng hạn, giữa các DN du lịch với các hãng hàng không.

Ông Đỗ Chí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại SKYF Việt Nam (ngồi giữa) đang tham khảo ý kiến của hai chuyên gia

Dù có chung một mục tiêu là hỗ trợ nhau thu hút khách, nhưng ngành hàng không vẫn còn khoảng cách với ngành du lịch. Theo phản ảnh của nhiều DN lữ hành, trong thời gian qua, việc hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch chưa chặt chẽ. Các công ty du lịch luôn gặp khó trong việc tìm đủ vé cho khách đi trên các chuyến bay đến các điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam.

Việc này buộc một số công ty phải chuyển đoàn khách từ Vietnam Airlines sang Jetstar Pacific, Vietjet Air, dù trước đó họ đã đăng ký trước một số lượng vé với hãng này theo chương trình hợp tác giữa Vietnam Airlines và các công ty du lịch. Hậu quả là, không những DN du lịch phải bồi thường cho mỗi khách từ 400.000 đến 500.000 đồng, vì đã chuyển họ sang chuyến bay của hãng khác do không thực hiện được như đã cam kết khi khách mua tour. Đau đầu hơn là, khách hàng phàn nàn công khai trên truyền thông khiến uy tín của các DN lữ hành bị ảnh hưởng.

Chuyện xảy ra tại một công ty lữ hành ở Hà Nội là ví dụ. Cách đây 2 năm, công ty đã liên kết với một số DN vận tải đường bộ, thủy, hàng không cùng các đối tác kinh doanh khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng thành chuỗi cung ứng. Theo đó, công ty đã xây dựng các gói sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng phục vụ khách hàng trong nước. Tuy nhiên, sau đó, khách hàng liên tục phàn nàn về chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất của hai nhóm đối tác trên.

“Chúng tôi thật sự vỡ mộng về sự hợp tác theo kiểu chuỗi cung ứng này. Sự việc căng thẳng khi có tới 3 sự cố về chất lượng dịch vụ trong 1 tháng và sự việc bị đưa lên báo chí, khiến 50% hợp đồng đặt tour đã bị hủy, doanh thu trong tháng sụt giảm tới 13% và chưa có dấu hiệu tăng trở lại”, một cổ đông công ty lên tiếng.

Trước tình hình trên, HĐQT công ty, trong đó có CEO cũng là một thành viên đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp.

Thế nhưng một tuần trôi qua, giải pháp mà CEO đưa ra vẫn chưa thu được sự chia sẻ, ủng hộ của các cổ đông đồng sáng lập khác. Các cổ đông kiên quyết phản đối ý tưởng của CEO và yêu cầu CEO tập trung theo hướng tìm biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng của các đối tác trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, mở rộng tìm kiếm thêm các đối tác mới để bổ sung, thậm chí thay thế để làm mới chuỗi cung ứng.

Nhiều người ngoài cuộc cũng đồng tình với quan điểm của các cổ đông. Theo họ, không thể để thêm bất cứ tour tiếp theo phải chịu chất lượng tồi tệ như vậy nữa. Công ty để tới 50% tour bị chê vì chất lượng kém, nay lại tiếp tục đầu tư, hợp tác với đối tác thì quá nguy hiểm. Do đó, CEO nên thông báo cho các đối tác biết trong thời gian bao lâu, nếu họ không cải thiện được chất lượng, thì công ty buộc phải đi tìm đối tác mới. Hoặc công ty cần phải ký lại hợp đồng với những đối tác này với các điều khoản ràng buộc hơn cụ thể hơn.

“CEO để tình trạng 50% tour bị chê và kém chất lượng, thì mới bắt đầu loay hoay tìm cách tháo gỡ. Không những thế, CEO còn đưa ra chiến lược đầu tư dàn trải sẽ khiến công ty suy sụp. Công ty không thể sánh vai với các đối tác làm ăn chụp giật. Đã là các mảnh ghép trong chuỗi dịch vụ thì hãy chọn cho mình mảnh ghép tốt nhất, nhưng không phải là duy nhất. Trước mắt, CEO cần tạo ra sản phẩm tốt nhất với các đối tác cung ứng khác, chứ không phải kêu gọi đầu tư thêm”, bạn Trịnh Lê (Hà Nội) bức xúc về cách giải quyết của CEO khi theo dõi cuộc họp của CEO với các cổ đông tuần trước.

Sức ép từ những luồng ý kiến bức xúc nêu trên buộc CEO phải tìm đến các chuyên gia nhờ tư vấn. Hai chuyên gia của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công: ông Thái Quốc Minh, Thành viên thường trực HĐQT Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP  Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) sẽ vào cuộc để giúp CEO giải bài toán hóc búa trên vào sáng Chủ nhật tuần này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV

Tin liên quan
Tin khác