Các con số thống kê về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, nền kinh tế đang thực sự đối mặt với rất nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng nhanh.
Cụ thể, thông tin từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong tháng 5, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 103.700 tỷ đồng và số lao động đăng ký 74.600 lao động, giảm 24,2% về số doanh nghiệp, giảm 32,9% về vốn đăng ký và giảm 37,4% về số lao động so với tháng 4/2023.
Như vậy, sau khi có dấu hiệu tích cực hơn trong tháng 4, với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng hơn so với tháng 3, thì bước sang tháng 5, xu hướng giảm lại tiếp tục.
Thậm chí, nếu so với cùng kỳ năm trước, thành lập mới doanh nghiệp còn giảm 9,5% về số doanh nghiệp, giảm 17,5% về số vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động.
Tình hình đăng ký kinh doanh 5 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm 2022. |
Theo Cục Đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,6 tỷ đồng, giảm 11,5% so với tháng trước và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới, thì trong tháng 5, cả nước còn có 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,1% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 61.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 568.700 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 405.900 người, giảm 1,6% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu thống kê cho thấy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 824.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 21.100 doanh nghiệp tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 là 1.393.700 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 5 tháng qua, còn có gần 33.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2023 lên gần 95.000 doanh nghiệp, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Năm tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. |
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, số liệu thống kê cho thấy, cũng trong tháng 5, có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% và tăng 12,7%; và có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% và giảm 8,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; và 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%.
Như vậy, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng qua đã lên tới 88.000 doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Sức khỏe của doanh nghiệp đã suy kiệt sau hơn 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và biến động kinh tế toàn cầu.
Không chỉ là số doanh nghiệp rút lui lớn, mà trong báo cáo trình lên Chính phủ hồi đầu tháng Năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý về khả năng huy động vốn của doanh nghiệp, khi mà số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ năm 2018.
Sau 5 tháng, mức vốn đăng ký bình quân không những không được cải thiện mà còn giảm xuống chỉ còn 9,2 tỷ USD. Đây là điều đáng lưu tâm, cho thấy quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ.