Sức khỏe doanh nghiệp
Kinh doanh không hiệu quả, Đầu tư Thương mại SMC giải thể một công ty con
Duy Bắc - 12/07/2023 09:06
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC - sàn HoSE) thông qua việc giải thể Công ty TNHH SMC Châu Đức.

Cụ thể, Đầu tư Thương mại SMC thực hiện giải thể Công ty TNHH SMC Châu Đức do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Tính tới 31/12/2022, Đầu tư Thương mại SMC đang sở hữu 100% vốn tại Công ty TNHH SMC Châu Đức và ghi nhận đầu tư vào Công ty con.

Được biết, Công ty TNHH SMC Châu Đức được thành lập ngày 23/6/2022; địa chỉ tại đường Đ.02, KCN Châu Đức, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ thép; và người đại diện pháp luật là Nguyễn Hữu Kinh Luân (sinh năm 1982).

Ngoài ra, Nguyễn Hữu Kinh Luân còn là đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Cơ khí Thép SMC và Công ty TNHH Liên Doanh ống Thép Sendo.

Một diễn biến khác, ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc đơn vị thành viên của Đầu tư Thương mại SMC đăng ký bán 500.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,01% về còn 2,34% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 11/7 đến 10/8.

Điểm đáng lưu ý, ông Nguyễn Quốc Thắng là chồng bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tại Đầu tư Thương mại SMC.

Trước đó, từ ngày 5/6 đến 28/6, ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, em bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi vừa bán ra 530.000 cổ phiếu SMC để giảm sở hữu từ 1,74% về còn 1,02% vốn điều lệ.

Điểm đáng lưu ý, thống kê từ ngày 15/11/2022 đến ngày 30/6/2023, cổ phiếu SMC tăng 89,5% từ 7.070 đồng lên 13.400 đồng/cổ phiếu.

Trong đó, theo dữ liệu của Báo Đầu tư, SMC từng phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu ngày 30/7/2021 (kỳ hạn 3 năm), mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tài sản đảm bảo là 9,1 triệu cổ phiếu NKG thuộc sở hữu của SMC và 4 triệu cổ phiếu SMC của bà Nguyễn Cẩm Vân, mẹ ruột bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi.

Có thể thấy, việc người thân của bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi đăng ký bán ra cổ phiếu sau nhịp hồi phục mạnh của giá cổ phiếu, triển vọng kinh doanh gặp thách thức và có dấu hiệu đáng lưu ý.

Cổ phiếu SMC tiếp tục nằm trong danh sách cổ phiếu không được cấp margin

Một diễn biến đáng lưu ý khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa Quyết định đưa cổ phiếu SMC vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý III/2023 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 là số âm.

Trước đó, ngày 20/3/2023, HoSE đã Quyết đưa cổ phiếu SMC vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ với lý do tương tự.

Được biết, năm 2022, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là lỗ 578,99 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 874 tỷ đồng, tức giảm tới 1.452,99 tỷ đồng.

Với việc ghi nhận lỗ kỷ lục trong năm 2022, tính tới 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế chỉ còn 343,6 tỷ đồng so với đầu năm là 1.081 tỷ đồng.

Quý I/2023, lãi 20,88 tỷ đồng

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận doanh thu đạt 3.886,97 tỷ đồng, giảm 41,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 20,88 tỷ đồng, giảm 74,1% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 2,9% lên 4,1%.

Trong năm 2023, Đầu tư Thương mại SMC đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 20.350 tỷ đồng, giảm 12,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 150 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 651,8 tỷ đồng, tăng thêm 801,8 tỷ đồng.

Như vậy, với lợi nhuận đạt 20,88 tỷ đồng, kết thúc quý đầu năm 2023, Đầu tư Thương mại SMC đã hoàn thành 13,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Triển vọng hồi phục gặp thách thức khi giá thép quay đầu điều chỉnh giảm trở lại

Giai đoạn đầu năm, khi Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy đà hồi phục của giá thép thế giới nhờ kỳ vọng tiêu thụ của Trung Quốc tăng. Tuy nhiên, từ ngày 14/3/2023 đến 6/7/2023, giá thép thế giới lại giảm 14,2%, từ 4.362 về 3.742 CNY/tấn và về vùng đáy tháng 10/2022. Thêm nữa, giá thép cán nóng (HRC) cũng đang xu hướng giảm mạnh và chưa có dấu hiệu tạo đáy.

Lý giải cho việc giá thép thế giới quay đầu gần đây, các chuyên gia nhận định do lo ngại dai dẳng về lĩnh vực bất động sản trì trệ của Trung Quốc sau khi các dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy kém khả quan và đang có dấu hiệu tiếp tục đi xuống ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thép suy giảm. Ngoài ra, lãi suất cao và lo ngại suy thoái cũng dẫn tới nhu cầu đầu tư, xây dựng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới bị trì hoãn, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thép.

Tương tự xu hướng giá thép thế giới, trong nước, các doanh nghiệp thép đã điều chỉnh giá thép bán ra 6 lần liên tiếp, về 15 triệu đồng/tấn, trái với xu hướng tăng giá đầu năm 2023.

Theo Chứng khoán SSI, giá HRC trong nước đã điều chỉnh gần 12% kể từ giữa tháng 3/2023 tới nay sau khi giá thép tại Trung Quốc đang giảm 14%, nguyên nhân do dư cung tại các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Chứng khoán Rồng Việt cũng lo ngại ảnh hưởng bởi giá thép quay đầu giảm: “Việc giá HRC tạo đỉnh trong tháng 3/2023 và hạ nhiệt từ đầu quý II tới nay có thể là dấu hiệu đáng lo ngại cho kết quả kinh doanh cho các doanh nghiệp thép, đặc biệt là khi mùa mưa bắt đầu tại miền Nam, nhu cầu yếu tháng Ngâu và nhu cầu xây dựng - sản xuất công nghiệp chưa cho thấy tín hiệu tích cực rõ ràng”.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây do nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước cũng giảm mạnh khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho. Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/7, cổ phiếu SMC giảm 300 đồng về 14.100 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác