Hạ tầng nước Sài Gòn bị hủy niêm yết từ ngày 5/5
Cụ thể, HoSE Quyết định hủy niêm yết hơn 64,5 triệu cổ phiếu SII trên sàn do Hạ tầng nước Sài Gòn bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp là năm 2020, 2021 và năm 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.
Như vậy, cổ phiếu SII sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên sàn HoSE là ngày 5/5/2023.
Theo tìm hiểu, về hoạt động kinh doanh, năm 2020, Hạ tầng nước Sài Gòn ghi nhận lỗ 104,6 tỷ đồng; năm 2021 ghi nhận lỗ 73,5 tỷ đồng; và năm 2022, Công ty ghi nhận lỗ thêm 86,4 tỷ đồng.
Với việc lỗ 3 năm liên tiếp, tính tới 31/12/2022, tổng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối chỉ còn 49,8 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 833,2 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng nguồn vốn.
Công ty cho biết, tổng nợ vay ngắn hạn là 360,4 tỷ đồng, chủ yếu 291,1 tỷ đồng của CTCP Đầu tư T&D Việt Nam; 21,2 tỷ đồng Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh KCN Biên Hòa; và 19 tỷ đồng CTCP Đầu tư Cầu đường CII.
Bước sang năm 2023, Hạ tầng nước Sài Gòn đặt kế hoạch với doanh thu 353,95 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến lỗ năm thứ 4 liên tiếp, giá trị lỗ dự kiến 44,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo giới CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn tiền thân là CTCP Xây dựng Việt Thành được thành lập ngày 27/08/2004, vốn ban đầu là 550 triệu đồng và hiện tại vốn điều lệ 645,2 tỷ đồng.
Ngày 22/08/2012, cổ phiếu của Công ty được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM với mã chứng khoán SII. Tháng 2/2013, Công ty đổi tên thành CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water).
Địa bàn kinh doanh của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn, đối với lĩnh vực hạ tầng nước chủ yếu tập trung khu vực TP. HCM và các tỉnh như Lâm Đồng, Gia Lai; đối với hoạt động dịch vụ kỹ thuật môi trường, chủ yếu khu vực TP. HCM, Lâm Đồng, Gia Lai và các tỉnh thành ở miền Nam.
Ở một diễn biến đáng lưu ý, tính 31/12/2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) đang sở hữu 50,62% vốn điều lệ tại CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn và ghi nhận đầu tư vào Công ty con, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng nước.
CII muốn thoái vốn tại CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn
Về Công ty mẹ của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại TP. HCM.
Trong năm 2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.154,59 tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến 469,27 tỷ đồng, giảm 49,5% so với thực hiện trong năm 2022.
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM nhận định năm 2023 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn, từ công tác huy động vốn, tái cấu trúc nguồn vốn, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, cho đến các công ty tác bán hàng và ghi nhận doanh thu đối với các dự án.
Công ty sẽ tập trung hoàn thiện và bàn giao các dự án bất động sản như dự án 152 Điện Biên Phủ, dự án The River, dự án D’Verano … để gia tăng nguồn thu; đẩy mạnh thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư thông qua việc bán cổ phiếu quỹ và thoái vốn tại CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII);
Tập trung thanh toán khoản vay đến hạn và trước hạn để tiết giảm chi phí lãi vay. Nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước, dẫn đến việc Công ty sẽ có thặng dư nguồn vốn lớn, là cơ sở để có thể nhanh chóng hoàn trả toàn bộ các khoản nợ tài chính tại công ty mẹ.
Về cổ tức, Công ty trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến 15% bằng tiền mặt.
Một nội dung đáng chú ý khác, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM dự kiến thưởng cổ phiếu tỷ lệ 14%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 14 cổ phiếu mới, nguồn vốn thực hiện là vốn chủ sở hữu. Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ tăng từ 2.840,2 tỷ đồng lên 3.193,3 tỷ đồng.
CII muốn huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi từ cổ đông
Đối với trái phiếu, CII dự kiến tạm dừng thực hiện chuyển đổi đợt 5 dự kiến ngày 3/5/2023 của trái phiếu chuyển đổi mã CII42013.
Bên cạnh đó, Công ty dự kiến phát hành hai gói trái phiếu với tổng mệnh giá 4.500 tỷ đồng, đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền; đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu.
Lãi suất của hai lô trái phiếu này đều được trả 3 tháng một lần, lãi suất 10%/năm cho 4 kỳ đầu và sau đó thả nổi với biên độ 2,5%/năm cộng với lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng tại Vietcombank và VietinBank.
CII lên kế hoạch huy động 4.500 tỷ đồng trái phiếu từ cổ đông. |
Trong đó, riêng gói 2, Công ty dự kiến huy động 1.977,78 tỷ đồng, mục đích huy động vốn để thanh toán 500 tỷ đồng trái phiếu CIIB2024009; thanh toán 590 tỷ đồng trái phiếu CIIB2124001; góp vốn và/hoặc đầu tư trái phiếu Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận.
Được biết, tính tới 31/12/2022, CII đang có tổng dư nợ lên tới 14.582,3 tỷ đồng, chiếm tới 51,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, 5.166,4 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và còn lại 9.415,9 tỷ đồng là nợ vay dài hạn.
Theo lịch trả nợ, trong vòng 1 năm phải trả 3.585,86 tỷ đồng (3.161 tỷ đồng là trái phiếu); trong năm 2 phải trả 2.771,4 tỷ đồng (trái phiếu 1.590 tỷ đồng); trong năm từ năm 3 đến năm 5 là 2.807,7 tỷ đồng (trái phiếu 372,3 tỷ đồng); và sau 5 năm là 3.863,9 tỷ đồng (trái phiếu 1.150 tỷ đồng).
Ngược lại, tính tới cuối năm 2022, Công ty chỉ sở hữu quỹ tiền là 904,1 tỷ đồng, thấp hơn nhu cầu trả nợ trong vòng 1 năm lên tới 3.585,86 tỷ đồng.