Doanh nghiệp
Kinh doanh từ cơn sốt Pokemon Go
Tú Ân - 12/08/2016 08:10
Không đơn thuần là trò chơi giải trí, Pokemon Go có thể đem lại rất nhiều tiền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nếu sáng tạo và biết nắm bắt cơ hội.
TIN LIÊN QUAN

Ngàn lẻ một ý tưởng kinh doanh

Từ ngày 22/7/2016, khi trò chơi Pokemon Go ra mắt đến nay, đại gia game Nhật Bản Nintendo “bỏ túi” hơn 200 triệu USD. Tại Việt Nam, Pokemon Go đã du nhập về từ ngày 6/8 và đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt săn Pokemon tại các thành phố lớn. Đây sẽ là cơ hội kinh doanh cho nhiều cửa hàng, công ty, các dịch vụ “ăn theo” nếu có ý tưởng tốt và biết nắm bắt cơ hội.

Trên thực tế, giới trẻ Việt Nam khá nhanh nhạy và đã nảy ra một số ý tưởng kinh doanh ngay trước khi trò chơi này “về” Việt Nam. Cuối tháng 7/2016, trước khi Pokemon Go chơi được ở Việt Nam, trên facebook đã xuất hiện dịch vụ xe ôm chuyên để chở game thủ đi bắt Pokemon. Không khó để nhận ra đây chỉ là một “chiêu trò” quảng cáo của công ty cung cấp dịch vụ, bởi việc bắt Pokemon trong game buộc người chơi phải đi bộ hay di chuyển bằng xe đạp. Việc dùng xe máy hoặc ô tô không được chấp nhận do tốc độ di chuyển quá cao, trái ngược lại với tiêu chí đòi hỏi game thủ vận động của hãng phát triển.

.

Tuy nhiên, từ việc này, nhiều người biết đến dịch vụ xe ôm và mục đích của nhóm này về cơ bản đã đạt được.

Sâu xa hơn, Pokemon Go khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo, có nhiều ý tưởng kinh doanh từ cơn sốt này, biến một trò chơi thành công cụ kinh doanh.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, chủ quán phụ kiện điện thoại ở phố Tô Hiệu (Hà Nội) cho biết, 2 ngày cuối tuần vừa rồi có rất nhiều bạn trẻ đến Công viên Nghĩa Đô bắt Pokemon.

“Trò chơi này buộc phải sử dụng 3G hay Wifi, sử dụng smartphone liên tục nhiều giờ liền trong ngày, nên smartphone chóng hết pin. Thực tế là nhiều bạn trẻ dùng hết cả xạc pin dự phòng, chạy vào cửa hàng của tôi để xạc nhờ hoặc mua pin dự phòng. Tôi đang tính nhập thêm xạc pin dự phòng siêu khủng 50.000mAh hoặc cung cấp dịch vụ Wifi trong Công viên Nghĩa Đô”.

Một số quán nước nhanh nhạy đã tổ chức các điểm bán nước, bánh mỳ, đồ ăn nhẹ tại các điểm công cộng có nhiều game thủ chơi vào cuối tuần. Vì vậy, mở những “cửa hàng thức ăn Pokemon” bán đồ ăn nhẹ ở các điểm công cộng cũng là một ý tưởng không tồi.

Trên thực tế, việc cung cấp cho người chơi sạc pin và Wifi tại một số điểm tập trung nhiều game thủ đã được một số nước thực hiện, các chủ cửa hàng có thể đi theo hướng biến mình thành các điểm Pokestop. Đây là nơi những game thủ bắt buộc phải đi qua để lấy được Pokeball.  Niantic cho phép người dùng tự đăng ký một địa điểm bất kỳ làm Pokestop. Nhờ vậy, các cửa hàng có thể tự đăng ký vị trí của mình giúp thu hút người tới ghé thăm. Bên cạnh đó, muốn người chơi ở lại vị trí lâu hơn, các cửa hàng có thể dùng vật phẩm để thu hút Pokemon xuất hiện liên tục.

Một số cơ sở kinh doanh tại Hà Nội cũng đã trở thành Pokestop, tuy nhiên, hiện nay chức năng đang bị đóng.

Nhà mạng sao chưa có “gói cước Pokemon”?

Không có 3G không thể chơi Pokemon Go, nên đây cũng là dịp để nhà mạng khai thác dịch vụ.

Ngày 10/8, một số đại lý của MobiFone đã có hướng dẫn các gói 3G phục vụ trò chơi này. Các gói cước 3G MobiFone tư vấn cho khách hàng để chơi Pokemon Go đối với smartphone là M70 (7G), M90 (9G), còn nếu chơi Pokemon Go trên ipab, tablet thì MobiFone tư vấn dùng  3G Fast Connect.

Nhân cơn sốt Pokemon, đại lý VinaPhone cũng đẩy mạnh quảng bá bán sim 3G VinaPhone trọn gói 1 năm, mỗi tháng 4Gb ở tốc độ cao để chơi Pokemon với giá 490.000 đồng/năm.

Điều này cho thấy, các đơn vị kinh doanh sim, thẻ cào rất nhanh nhạy. Họ còn nhanh nhạy hơn cả bộ phận kinh doanh của các nhà mạng trong việc tận dụng cơ hội cơn sốt Pokemon để đẩy mạnh doanh thu, trong khi các nhà mạng vẫn chưa có “gói cước Pokemon” nào.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, các sản phẩm liên quan đến Pokemon Go đang được rao bán với đủ chủng loại khác nhau. Mức giá của các vật phẩm này cũng dao động từ vài chục cho tới vài trăm ngàn đồng, hình thành một thị trường vật phẩm Pokemon Go khá sôi động.

Chị Nguyễn Bích Liên (trú tại Mỹ Đình, Hà Nội), một người chuyên nhập hàng online từ nước ngoài cho biết, chị đang đặt hàng và sắp nhập về Việt Nam lô sản phẩm Pokemon thử nghiệm đầu tiên.

“Tôi đang đặt hàng bạn bên Nhật Bản, cái nôi ra đời Pokemon, các vật phẩm của Pokemon Go như đồng hồ đeo tay, bóng pokemon (Poke Ball), nhẫn, dây chuyền, huy hiệu, móc khóa, vòng đeo tay, quần áo, các loại tượng nhỏ... Hiện có rất nhiều bạn trẻ đặt hàng những vật phẩm này”, chị Liên cho biết.

Game online đang là một ngành kinh doanh hái ra tiền. Không chỉ ông chủ đẻ ra Pokemon Go, “miếng bánh” đang chia đều cho cả những người biết tận dụng cơ hội này. Biết đâu một ngày không xa, tại Việt Nam, một chuỗi cửa hàng bán bánh ngọt, nước uống có hình ngộ nghĩnh Pokemon sẽ ra đời từ cơn sốt game này.

Tin liên quan
Tin khác