Trong bối cảnh khó khăn chung, nhưng kinh tế Đồng Tháp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Trong ảnh: TP.Cao Lãnh, thủ phủ tỉnh Đồng Tháp |
Hợp sức hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Mặc dù triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bất lợi của thị trường, giá cả vật tư, nguyên liệu tăng cao, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, nên tình hình kinh tế - xã hội của Đồng Tháp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Theo đó, tình hình tiêu thụ các loại nông, lâm, thủy sản trong tháng 11 tiếp tục ổn định, giá bán có chiều hướng tăng cao ở hầu hết các mặt hàng nông sản. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 10,6% so tháng cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được tập trung thực hiện, đến ngày 15/11/2022 là 3.499,936 tỷ đồng, đạt 59,25%, cao hơn 15,39% so với cùng kỳ…
Mục tiêu quan trọng của Diễn đàn là kiến tạo lại hình ảnh địa phương, nâng tầm sản phẩm khởi nghiệp, tạo hệ sinh thái để các doanh nghiệp lớn đồng hành với phong trào khởi nghiệp địa phương, xây dựng một không gian khởi nghiệp với khát vọng và niềm tin cùng hợp tác phát triển.
Theo Cục Thống kê Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng năm 2022 của tỉnh ước đạt 9,11%, cao hơn so với các năm trước. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 1,86%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,9%, thương mại - dịch vụ tăng 12,62%. Tính đến hết tháng 11 đã giải ngân 3.869 tỷ đồng, đạt trên 65% tổng số vốn phải giải ngân năm 2022. Các địa phương có tiến độ giải ngân cao như: TP. Sa Đéc đạt trên 90%, TP. Hồng Ngự đạt trên 86%, huyện Tháp Mười đạt trên 82%.
Đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu, các ngành, địa phương rà soát, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2022; tổng kết, đánh giá và chủ động đề ra các kế hoạch năm 2023 để có sự quyết tâm cao thực hiện ngay từ đầu năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp thực hiện hiệu quả các sự kiện từ nay đến cuối năm do tỉnh tổ chức. Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, người đứng đầu và chủ đầu tư theo dõi, kiểm tra sát sao tiến độ, phấn đấu đạt giải ngân 100% vào cuối năm nay.
Đáng chú ý, vào đầu tháng 12, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi gặp gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Sa Đéc (TP. Sa Đéc) để nắm tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh và đầu tư trong năm 2022, kế hoạch năm 2023.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 627 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với trên 69.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong năm 2022 ước đạt trên 77.000 tỷ đồng, tăng 13,32% so với năm 2021 và vượt 15% kế hoạch.
Riêng tại Khu công nghiệp Sa Đéc, có 8 doanh nghiệp đang hoạt động thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản với 5.844 lao động và 11 doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản với 1.799 lao động. Sản phẩm thủy sản chế biến và thức ăn thủy sản có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra như kỳ vọng trong năm 2022.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp cho biết, hiện nay nhiều chuỗi cung ứng vẫn còn bị ảnh hưởng, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, những thị trường xuất khẩu truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức...
Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh thời gian tới còn phải đối mặt với nhiều trở ngại, đại diện các doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, thủ tục đầu tư, đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Thay mặt UBND tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động.
Nhắc lại chủ trương nhất quán của tỉnh là “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển; đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Nâng tầm giá trị mặt hàng cá tra
Sau 2 lễ hội quan trọng, gây được ấn tượng và đạt hiệu quả cao trong phát triển chuỗi ngành hàng kinh tế là Lễ hội Sen lần I - 2022 và Lễ hội Xoài Cao Lãnh Đồng Tháp lần I - 2022, Đồng Tháp đã lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Cá tra năm 2022
Lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/12, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Hồng Ngự), với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, do UBND tỉnh Đồng Tháp, TP. Hồng Ngự phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Dự kiến, Lễ hội sẽ thu hút khoảng 50.000 du khách đến tham quan trải nghiệm. Bên cạnh các hoạt động theo nghi thức như khai mạc, bế mạc, còn có các hoạt động đặc trưng tôn vinh chuỗi ngành hàng, người nuôi, vùng nuôi và doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cá tra… Hướng đến xây dựng hình ảnh thủ phủ cá tra Hồng Ngự; quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương. Thông qua các hoạt động tại Lễ hội là cơ hội để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
Từ những cá thể nhỏ (cá bột) trôi nổi trên đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, được người dân vớt lên và thả nuôi trong các ao, đầm nhỏ phục vụ phát triển kinh tế hộ gia đình. Trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, con cá tra được người dân và doanh nghiệp cùng các tỉnh trong vùng tiến lên nuôi với quy mô công nghiệp lớn, kể cả ươm cá tra giống nhân tạo phục vụ vùng nuôi lớn, cùng với chế biến xuất khẩu cá tra đem lại nguồn ngoại tệ lớn trong hàng chục năm qua, đánh dấu bước trưởng thành vượt bật của ngành hàng cá tra.
Tại Đồng Tháp, tính đến nay, diện tích nuôi cá tra là hơn 2.300 ha, sản lượng hơn 451.000 tấn. Trong đó, khu vực Hồng Ngự là một trong những cái nôi hình thành và gắn liền với lịch sử phát triển ngành cá tra của ĐBSCL với diện tích nuôi lớn, có sự gắn bó của nhiều người nuôi cá tra. Là một trong 5 ngành hàng chủ lực kinh tế của tỉnh Đồng Tháp, con cá tra Đồng Tháp và các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã xuất khẩu đến 138 thị trường.
Hiện Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025. Theo đó, diện tích nuôi cá tra là 2.450 ha, trong đó 50% đạt tiêu chuẩn GAP, với sản lượng 555.000 tấn, đạt hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thủy sản, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.
Tổ chức Diễn đàn Mekong Startup
Với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022 được Đồng Tháp đăng cai tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 20/12, tại Nhà Văn hóa Lao động (TP. Cao Lãnh).
Diễn đàn có sự phối hợp giữa UBND tỉnh Đồng Tháp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ).
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, điểm nhấn của Diễn đàn Mekong Startup lần I là cam kết chung về mục tiêu giảm phát thải, đồng thời xây lộ trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực hiện thực hóa những cam kết giảm phát thải được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP 26.
Đối với các doanh nghiệp lớn có tính dẫn dắt, được củng cố niềm tin khi tham gia vào quá trình “từ bài toán đi tới hành động” - cùng thảo luận để làm rõ vấn đề của từng ngành hàng chủ đạo (lúa gạo, thủy - hải sản, trái cây) và các chương trình hành động tương ứng xuyên suốt.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, Diễn đàn là nơi cập nhật, cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực những thông tin chính thống và có hệ thống liên quan đến các cam kết và yêu cầu bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính, tác động trực diện của vấn đề này tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và gợi mở một số định hướng, giải pháp bước đầu.
Diễn đàn sẽ có 3 phiên thảo luận trước thềm phiên toàn thể, xoay quanh chuyển đổi chuỗi lúa gạo, thủy - hải sản, trái cây vùng ĐBSCL hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp. Phiên toàn thể xoay quanh nội dung về bối cảnh và các thách thức, cơ hội đặt ra cho ngành nông nghiệp ĐBSCL để hướng tới mục tiêu hiện đại, bền vững, phát thải thấp; giải pháp bước đầu và hành động ưu tiên để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần công bố rộng rãi, nhanh chóng về mục tiêu, ý nghĩa của Diễn đàn đến nhiều tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân quan tâm, tham gia. Ông cũng cho rằng, chủ đề Diễn đàn còn khá mới, do đó mục tiêu Diễn đàn không phải là tạo ra sản phẩm ngay, mà kích hoạt cách tiếp nhận, nhận thức và sự đồng hành cho tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL về giảm phát thải mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP 26.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tập trung khai thác tính mới của Diễn đàn để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó, thông qua tổ chức Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh địa phương, nâng tầm chương trình khởi nghiệp của các địa phương trong vùng, bởi doanh nghiệp khởi nghiệp không tạo ra sản phẩm đơn thuần, mà còn tạo ra sản phẩm đón đầu xu thế thị trường, xu thế xanh; làm cho doanh nghiệp lớn thực sự đồng hành, dẫn dắt doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp…