Năm 2020, cả nước có 26.100 HTX, thu hút gần 6,1 triệu thành viên, tạo việc làm cho 1,133 triệu người. Ảnh: Đ.T |
Kinh tế tập thể vẫn vững vàng trong đại dịch Covid-19
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội của nước ta, nhất là từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành, tư duy về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác” đã bước đầu thành công, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường. Thời gian qua, dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực kinh tế tập thể vẫn hoạt động khá ổn định.
“Số lượng HTX tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Năm 2020, cả nước có 26.100 HTX, thu hút gần 6,1 triệu thành viên, tạo việc làm cho 1,133 triệu người”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX được tổ chức hàng năm là dịp để các HTX và cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác của nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường giao thương, hợp tác giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ…, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
“Diễn đàn lần này được tổ chức trong thời điểm kinh tế thế giới có nhiều biến động, đại dịch Covid-19 đang gây tác động tiêu cực đến toàn thế giới. Đây cũng là năm bản lề của một kỳ kế hoạch, một thập kỷ mới, nên chúng ta rất cần cùng ngồi lại để trao đổi, tìm ra những hướng phát triển mới vững vàng hơn cho khu vực kinh tế hợp tác trong tương lai”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, HTX là thể chế không thể thiếu, góp phần vào sự phát triển hài hoà về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa; là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đặc biệt ở các vùng nông thôn, nơi các tập đoàn, công ty lớn không muốn đầu tư, phát triển. Tại Việt Nam, phát triển kinh tế tập thể luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo.
Phát triển vẫn hết sức khó khăn
Đánh giá cao sự phát triển của kinh tế hợp tác trong thời gian qua, nhưng Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, trên thực tế, kinh tế hợp tác phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. So với các thành phần kinh tế khác, tổ chức kinh tế tập thể phát triển vẫn hết sức khó khăn, tốc độ tăng trưởng chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng chung của cả nước, do đó tỷ trọng của khu vực kinh tế này đóng góp vào GDP ngày càng suy giảm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế hợp tác phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn, như tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng; sự liên kết, hợp tác chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp; vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy.
Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế tập thể, đến nay, Sơn La đã có trên 660 HTX, thu hút 29.750 thành viên, với tổng vốn hoạt động khoảng 3.400 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt 48 triệu đồng/năm. Nhờ có HTX, sản phẩm cây ăn quả, rau an toàn của Sơn La không chỉ vào được các siêu thị lớn trong nước, mà còn xuất khẩu hàng chục ngàn tấn mỗi năm.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho rằng, quy mô sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp tuy tăng mạnh, song vẫn còn nhỏ bé; liên kết với doanh nghiệp còn nhiều lúng túng; nguồn vốn hoạt động rất mỏng, trong khi tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng rất hạn chế. Một trong những hạn chế nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thiếu và yếu, trình độ hạn chế, công tác quản lý thiếu chuyên nghiệp; lao động thiếu kỹ năng nên hiệu quả hoạt động và chất lượng của HTX chưa cao.
Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, HTX gặp sức ép cạnh tranh gay gắt trong điều kiện vốn ít, còn non trẻ về kinh nghiệm quản lý, thương trường, thiếu hiểu biết về nhu cầu, thị hiếu, hệ thống phân phối, kinh doanh trên thị trường. Sự liên kết giữa HTX với nhau và với doanh nghiệp còn rất hạn chế, làm tăng nguy cơ chịu rủi ro đối với HTX.
Hưng Yên cũng là một trong những địa phương dẫn dầu cả nước về phát triển HTX, số lượng, chất lượng HTX được cải thiện, đa dạng về loại hình, rộng khắp ở các ngành và lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh này cũng thừa nhận, kinh tế hợp tác về cơ bản chưa đạt được yêu cầu đề ra, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh; tiềm lực tài chính, nhất là trong nông nghiệp, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Theo lãnh đạo nhiều địa phương, sự phát triển của kinh tế hợp tác gặp nhiều khó khăn có nguyên nhân rất lớn là việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách còn khó khăn do thủ tục pháp lý phức tạp; khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do không đáp ứng được nhiều điều kiện ràng buộc... Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể chưa thực sự đủ mạnh, thiếu nguồn lực để thực hiện, chưa có cơ chế đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của HTX.
- Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng