Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải sang) khảo sát mô hình trồng dừa sáp nuôi cấy phôi cho hiệu quả kinh tế tại Châu Thành |
Phục hồi và từng bước đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế
Từ đầu năm đến nay, mặc dù còn khó khăn, thách thức sau dịch, nhưng UBND tỉnh Trà Vinh đã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có đổi mới, sáng tạo, bám sát phương châm hành động: “Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phá, phát triển”. Các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thích ứng với tình hình dịch bệnh và ổn định sản xuất.
Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã được đẩy mạnh. Tỉnh đã tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang; tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch năm 2022, qua đó đã ký ghi nhớ hợp tác đầu tư với 14 nhà đầu tư thực hiện trên 20 danh mục dự án.
Trong 6 tháng đầu năm, Trà Vinh đã thu hút được 5 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 13.650 tỷ đồng, có 268 doanh nghiệp phát triển mới (đạt 53,6% kế hoạch), cao hơn cùng kỳ 74 doanh nghiệp. Tỉnh đã tạo việc làm mới cho 13.520 lao động, đưa 466 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Các chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời. Tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đảm bảo theo số lượng được phân bổ.
Đặc biệt, với sự chuẩn bị công phu, chu đáo và tập trung của cả hệ thống chính trị, Trà Vinh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch. Triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đến ngày 28/6/2022, tỉnh đã giải ngân 97,7 tỷ đồng, đạt 37,9% kế hoạch.
Dựa vào lợi thế đặc trưng của tỉnh, Trà Vinh chủ trương phát triển du lịch “thuận thiên” ở những vùng có hệ sinh thái riêng biệt, dựa vào sinh kế của người dân để xây dựng những sản phẩm vừa tạo việc làm, vừa tăng thêm thu nhập, tiến tới xóa đói, giảm nghèo.
Theo đó, địa phương đã ra mắt một số sản phẩm đặc trưng như du lịch “thuận thiên” Cồn Chim, du lịch “tự thân” Cồn Hô, du lịch hợp điểm Cồn Trứng, Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh (xã Lương Hòa, Châu Thành), điểm du lịch nông nghiệp Sokfarm (thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần)… Các mô hình này đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm đến của các tour du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhờ du lịch cộng đồng, nhiều hộ dân đã cải thiện đáng kể đời sống.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, năm 2022, Trà Vinh đặt mục tiêu đón 1,2 triệu lượt khách du lịch. Trà Vinh đang kết nối với 13 tỉnh ĐBSCL, nhất là TP.HCM, nhằm kết nối, giao lưu, học hỏi, mở ra nhiều ý tưởng, sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh khảo sát mô hình nuôi tôm của Tập đoàn Mỹ Lan |
Phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu
Thông qua thực hiện Đề án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã triển khai Đề án Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ phân vùng sản xuất nông nghiệp địa bàn tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu đến năm 2030. Đề án có tổng mức đầu tư trên 4.350 tỷ đồng, thực hiện 16 công trình đê, kè; 28 công trình cống; 9 công trình hạ tầng thủy lợi phục vụ trên địa bàn thị xã Duyên Hải, huyện Cầu Ngang, huyện Châu Thành và Trà Cú; hồ chứa nước dọc sông Láng Thé (giai đoạn 1 và 2). Trong đó, phân kỳ giai đoạn đến năm 2025 gồm 16 công trình (gần 1.520 tỷ đồng), giai đoạn sau năm 2025 gồm 39 công trình (trên 2.830 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Trà Vinh vừa thông qua Dự án Chuyển đổi sinh kế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, thuộc Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu và bền vững vùng ĐBSCL (Dự án WB11). Việc thực hiện Dự án sẽ mang lại tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản thông minh, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản sạch; nâng cao khả năng vận hành công trình thủy lợi phục vụ các loại hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn về làm việc với tỉnh Trà Vinh về phát triển hệ thống thủy lợi và các mô hình kinh tế bền vững, ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị để Trà Vinh được tham gia 3 dự án để từng bước nâng cao năng lực phòng, tránh thiên tai trước biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một là, Dự án Khôi phục và Quản lý bền vững rừng ven biển khu vực ĐBSCL nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, dự kiến vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 271 tỷ đồng.
Hai là, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển ĐBSCL, dự kiến vay vốn ADB, tổng mức đầu tư cho Trà Vinh là 1.121 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 813 tỷ đồng.
Ba là, Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng ĐBSCL phát triển bền vững và thịnh vượng, dự kiến vay vốn WB, tổng mức đầu tư 935 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi là 605 tỷ đồng.
Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Trà Vinh đã triển khai các nội dung chính của Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và dự thảo kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết tại tỉnh Trà Vinh.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung phân tích, thảo luận đánh giá sâu về những khó khăn, vướng mắc trong 6 tháng đầu năm, giải pháp để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm; nghiên cứu giải trình, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR Index), Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại những nhiệm vụ đã đề ra để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản; tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã; tập trung phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng…
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu các sở, ngành tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI… Song song đó, cần quan tâm hơn nữa công tác giải quyết việc làm cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách đối với người có công; tiếp tục triển khai tốt việc tiêm phòng vắc-xin và các giải pháp ngăn ngừa Covid-19 và các dịch bệnh trên người khác.
Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trước ngày 31/12/2022
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Trà Vinh từ nay đến cuối năm 2022 là tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Hội thảo thông qua dự thảo báo cáo Dự án Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (báo cáo cuối kỳ) tổ chức cuối tháng 6/2022, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Lập quy hoạch tỉnh Trà Vinh cho biết, công tác lập quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính, đối ngoại và là tiền đề để Trà Vinh phát triển toàn diện, bền vững trong tương lai.
Đến nay, tỉnh đã hoàn tất công tác tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong vùng, các đối tượng có liên quan và đã tổ chức hội thảo tham vấn. Qua lấy ý kiến và tổ chức hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều phản biện, góp ý tâm huyết, trách nhiệm. Tỉnh đã chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và hoàn thiện báo cáo cuối kỳ (lần 2) để trình bày trước Hội đồng. Sau khi nhận được những ý kiến đóng góp tại hội thảo báo cáo cuối kỳ, tỉnh sẽ hoàn thiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Hội đồng Thẩm định Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị, đơn vị tư vấn bố trí nhân sự, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, quyết tâm nỗ lực hoàn thành quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2022 theo tinh thần Nghị quyết số 119/NQ-CP, ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.