Doanh nghiệp
Kinh tế tư nhân - thịnh vượng cho kinh tế Việt Nam
Nguyên Đức - 05/12/2014 08:19
Lần đầu tiên, ở cả Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 (VBF) vừa diễn ra và Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) khai mạc hôm nay (5/12) tại Hà Nội, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân được tập trung thảo luận như một chủ đề chính yếu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hà Nội có số DN nộp thuế thu nhập lớn nhất cả nước
Vingroup nộp thuế gần 2.600 tỷ đồng
Thủ tướng: "Chúng tôi có niềm tin ổn định kinh tế"
Kích hoạt động lực tăng trưởng kinh tế
Tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân

Thậm chí, với tựa đề “Phát triển kinh tế tư nhân, tạo điểm tựa cho nền kinh tế”, ông Fred Burke, đồng Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của VBF đã đề cập hàng loạt vấn đề gây cản trở sự phát triển của khu vực này, như quyền sử dụng đất tại khu công nghiệp, chi phí nhân công, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ…, và khẳng định, cần phải tạo điều kiện thúc đẩy, nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân để đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

   
  Doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế (Ảnh minh họa: Dự án Royal City - Vingroup)  

Trong khi đó, ông Gaurav Gupta, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cũng đã bày tỏ quan điểm, Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp (DN) tư nhân, bao gồm cả trong nước và nước ngoài. “Chúng tôi thực sự mong muốn thấy được các thay đổi tích cực nhằm khích lệ sự phát triển của DN tư nhân, cho phép và hỗ trợ, thay vì cản trở các cơ hội kinh doanh”, ông Gaurav Gupta nói.

Trên thực tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam, với nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống DN nội địa, với mục tiêu đạt 500.000 DN.

“Xét cho cùng, bất cứ quốc gia nào muốn phát triển cũng phải phát triển hệ thống DN nội địa, chứ không thể coi khu vực FDI là chủ thể của nền kinh tế. Bởi thế, cùng với đẩy mạnh thu hút FDI, thì cũng phải tập trung phát triển hệ thống DN trong nước. Ngay cả các DN FDI cũng mong muốn Việt Nam có một hệ thống DN nội địa đủ mạnh để trở thành đối tác, nhà cung cấp cho họ”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ như vậy.

Thực tế cho thấy, sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được áp dụng, mở đường cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đã có một sự trỗi dậy mạnh mẽ của hệ thống DN nội địa. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

Dự thảo Báo cáo của Chính phủ tại VDPF về việc tăng cường năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị của khu vực tư nhân cũng đã khẳng định, trong sự thành công của Việt Nam, đặc biệt là việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực tư nhân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Để tất cả cùng thắng"

(Baodautu.vn) Một thông điệp rất rõ đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2014 - đó là làm sao để “tất cả cùng thắng”. 

Khai mạc Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam 2014

(Baodautu.vn) Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình nghị sự, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham gia và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

“Nếu như năm 2000, khu vực tư nhân trong nước đóng góp 22,9% tổng vốn đầu tư, thì đến năm 2013 đã đóng góp 37,6%, tạo ra 14,5 triệu việc làm và chiếm 76,7% tổng số việc làm phi nông nghiệp hiện nay”, Dự thảo Báo cáo viết.

Tuy nhiên, dù khẳng định đã phát triển được một đội ngũ đông đảo các DN nội địa, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, Việt Nam mới chỉ tập trung gia tăng số lượng DN mới, nên bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực cho các DN đang hoạt động, để có thể tận dụng được cơ hội thương mại từ chuỗi giá trị toàn cầu. Và một trong những thách thức lớn nhất đó là việc thiếu vắng các DN có quy mô vừa.

Hiện tại, trong số các DN Việt Nam, các DN có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng số lượng tương ứng như vậy là các DN quy mô vừa. Còn lại 95-96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Do quy mô nhỏ, nên có rất nhiều DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Phát biểu tại VBF, bà Wendy Werner, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Cạnh tranh khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một mặt đánh giá cao sự kiên cường của cộng đồng DN Việt Nam khi vượt qua được những khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng đã thừa nhận sự yếu kém trong nội tại cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt trong việc thiếu vắng các thương hiệu đẳng cấp quốc tế. “Việt Nam cần nỗ lực xây dựng được một hệ thống DN đạt tầm quốc tế”, bà Wendy Werner nói.

Không chỉ còn hạn chế về quy mô, Dự thảo Báo cáo của Chính phủ tại VDPF cũng đã nhấn mạnh, dù Việt Nam đã thành công trong việc phát triển các mối liên kết xuôi trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng mối liên kết ngược lại kém phát triển.

Cụ thể, trong khi các DN FDI đã và đang lắp ráp và sản xuất những sản phẩm tương đối cao cấp cho thị trường quốc tế, thì hầu hết các DN bản địa vẫn hướng về thị trường nội địa hoặc chỉ đang xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp. Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% giá trị xuất khẩu và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Nghiên cứu của Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI) cho thấy, chỉ 36% DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu so với con số 60% tại những nền kinh tế phát triển hơn như Malaysia, Thái Lan; cũng chỉ có 21% DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.

“Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai phụ thuộc phần lớn vào khả năng tăng cường mối liên kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và tối đa hóa lan tỏa FDI. Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một phần quan trọng trong quá trình này”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại VBF, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, tới đây, Chính phủ Việt Nam sẽ đặt trọng tâm khuyến khích phát triển DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực FDI phát triển. “Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu khu vực DN nhà nước, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh của khối DN này, đồng thời đặt DN nhà nước bình đẳng với các DN khác trong cơ chế thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác