Đầu tư
Kon Tum khắc phục tình trạng tỷ lệ đưa đất vào sử dụng ở KCN, KKT đạt thấp trong 2024
Linh Đan - 01/01/2024 08:07
Kon Tum yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính để đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Khu công nghiệp Hòa Bình, tỉnh Kon Tum. Ảnh: P.V

UBND tỉnh Kon Tum vừa chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khắc phục tình trạng tỷ lệ đưa đất vào sử dụng tại các khu công nghiệp và Khu kinh tế cửa khẩu đạt thấp

Đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, UBND tỉnh yêu cầu sau khi Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được điều chỉnh giảm quy mô diện tích còn 16.000 ha), các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai công tác lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế để làm cơ sở đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu kinh tế; rà soát quỹ đất trong Khu kinh tế có khả năng thu hút đầu tư để xây dựng nhu cầu và kế hoạch bố trí kinh phí để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ trên sau khi Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt (theo tiến độ của Quy hoạch tỉnh).

Đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất còn lại (74,6/150 ha) tại Khu công nghiệp Sao Mai, trên cơ sở đó thực hiện công khai quỹ đất và tổ chức kêu gọi, tiếp nhận giải quyết thủ tục thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp theo tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với phương châm bồi thường đến đâu, thu hút đầu tư đến đó. UBND Thành phố Kon Tum chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ trên theo tiến độ thực hiện Dự án Chỉnh trang đô thị tạo quỹ đất để thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai.

UBND tỉnh yêu cầu Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Hòa Bình nhằm đa dạng hóa các ngành nghề sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp để thuận lợi trong kêu gọi, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất của Khu công nghiệp.

Nhiệm vụ này Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND Thành phố Kon Tum và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện, hoàn thành phê duyệt trong Quý I/2024.

UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện chủ trương chấm dứt việc cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh thuê đất đã được nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng để cho doanh nghiệp thuê lại đất tại Khu công nghiệp Hòa Bình theo Kết thuận thanh tra số 3324/KLTTr-UBND ngày 5/10/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh; tổ chức thanh lý các hợp đồng thuê đất giữa Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế tỉnh với các doanh nghiệp đang thuê đất tại Khu công nghiệp Hòa Bình (Hợp đồng cho thuê bao gồm tiền thuê đất và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng), đồng thời thực hiện ký kết lại hợp đồng thuê đất mới (chỉ bao gồm tiền thuê đất) với các doanh nghiệp sau khi thanh lý hợp đồng.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu chú trọng xây dựng và ban hành giá cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại Khu công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum (không bao gồm tiền thuê đất) để làm cơ sở ký kết lại hợp đồng cho thuê sử dụng hạ tầng với các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp; tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất đối với các doanh nghiệp đang thuê đất tại Khu công nghiệp Hòa Bình để các doanh nghiệp này sau khi ký thanh lý hợp đồng có cơ sở ký kết lại hợp đồng thuê đất mới với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Các nhiệm vụ trên do Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện, hoàn thành trong Quý I/2024.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức ký hợp đồng thuê đất mới theo quy định đối với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Khu công nghiệp Hòa Bình sau khi đã thanh lý hợp đồng thuê đất với Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế. Thời gian hoàn thành trong Quý II/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử lý đối với trường hợp thuê đất, thuê lại đất trong các khu công nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất (theo tiến độ dự án đầu tư) theo quy định tại khoản 36 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ.

Về rà soát, xử lý đối với các dự án không hoạt động, ngừng hoạt động theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, UBND tỉnh giao Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập kế hoạch giám sát, đánh giá các dự án đầu tư nhằm đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đầu tư đã được chấp thuận chủ trương/chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế; qua công tác kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư để xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện đúng, đủ các mục tiêu đầu tư, các dự án không hoạt động, ngừng hoạt động hoặc vi phạm về pháp luật trong lĩnh vực đầu tư theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện nhiệm vụ trên theo kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư hằng năm.

Về khắc phục tình trạng hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp kém hiệu quả, Ban quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp cận được các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi về đầu tư, tài chính, tín dụng ... để khắc phục khó khăn, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, phục hồi sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh việc giải quyết các thủ tục hành chính (về các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng...) để đôn đốc các chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện đầu tư, đưa đất vào sử dụng; thường xuyên rà soát nhằm cắt giảm và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chú trọng xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin về hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình giới thiệu xúc tiến đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên cơ sở kết hợp với chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh.

“Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế, khuyết điểm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo quy định; định kỳ (trước 30/6 và 31/12 hằng năm) báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để xem xét, chỉ đạo”, UBND tỉnh Kon Tum giao nhiệm vụ.

Tin liên quan
Tin khác