“Công ty chúng tôi là Acronis, có trụ sở tại Singapore và Thuỵ Sỹ, đang đặt mục tiêu mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Chúng tôi dự kiến đầu tư khoảng 50 đến 100 triệu USD cho trung tâm nghiên cứu này trong các năm tới”, TS. Serg Bell, nhà sáng lập Viện Công nghệ Schaffhauhen (SIT) và Acronis đã bắt đầu câu chuyện như vậy với giới truyền thông Việt Nam.
SIT là một học viện toàn cầu có sứ mệnh quảng bá, xúc tiến khoa học, giáo dục và kỹ thuật. Đặt trụ sở chính tại Schaffhausen, Thuỵ Sỹ, SIT là một hệ sinh thái không ngừng lớn mạnh, thực hiện các hoạt động giáo dục và đào tạo cũng như thương mại hoá sản phẩm phái sinh từ công nghệ, dịch vụ tư vấn, và quỹ đầu tư.
Trong khi đó, Acronis là một công ty kỳ lân hàng đầu thế giới về bảo mật an ninh mạng, có trụ sở tại Singapore và Thụy Sỹ.
TS. Serg Bell và ông Philip trao đổi với báo chí Việt Nam |
Được thành lập tại Singapore năm 2003 và hợp nhất tại Thụy Sỹ vào năm 2008, Acronis hiện có hơn 2.000 nhân viên làm việc tại các văn phòng ở 34 địa điểm trên toàn thế giới. Các giải pháp của Acronis được tin dùng bởi hơn 5,5 triệu người dùng gia đình và 500.000 doanh nghiệp, cũng như các đội tuyển thể thao chuyên nghiệp hàng đầu. Sản phẩm của Acronis được phân phối bởi hơn 50.000 đối tác và nhà cung cấp dịch vụ tại trên 150 quốc gia, bằng 26 ngôn ngữ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc tại sao Acronis lại lên kế hoạch mở trung tâm R&D tại Việt Nam , TS. Serg Bell cho biết, câu hỏi đúng phải là “tại sao chúng tôi chưa chọn Việt Nam trước đây, mà là bây giờ”.
“Chúng tôi cho trung tâm R&D ở 10 quốc gia. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam là địa điểm lý tưởng trong khu vực để đặt trung tâm R&D cỡ vừa. Chúng tôi cũng đã đến Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar... và thấy rằng Việt Nam là nơi tốt nhất”, TS. Serg Bell nói.
Lý giải thêm, TS. Serg Bell cho biết, TP.HCM cũng chỉ cách Singapore, nơi Acronis đặt trụ sở chính và trung tâm R&D hơn một tiếng đồng hồ bay. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang tìm hiểu xem nên đặt trung tâm R&D tại Hà Nội hay TP.HCM. Hiện công việc vẫn đang tiến triển, nhưng chúng tôi triển khai rất nhanh chóng, và trong vài tuần tới sẽ có thêm chi tiết về việc này”, TS. Serg Bell nói.
Acronis, SIT và Jacobs ký thỏa thuận hợp tác với Đại học FPT |
Để hiện thực hóa kế hoạch này tại Việt Nam, TS. Serg Bell đã bắt đầu bằng việc ký một thỏa thuận hợp tác với Đại học FPT để tìm kiếm, đào tạo và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Lễ ký thỏa thuận này đã diễn ra hôm 12/4, giữa SIT, Đại học Jacobs tại Bremen (JUB) - cơ sở giảng dạy của SIT tại Đức và Đại học FPT.
Biên bản ghi nhớ này chính là nền móng của sự hợp tác song phương vững chắc, cho phép hai trường trao đổi sinh viên và chia sẻ các chương trình, thông tin, cũng như nhiều hạng mục và dịch vụ với nhau.
“Tôi rất vinh dự tham gia vào thoả thuận hợp tác mang tính lịch sử này”, TS. Serg Bell đã phát biểu như vậy và cho biết, với việc triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, SIT sẽ kết nạp thêm nhiều nhân tài vào SIT và JUB, đồng thời hỗ trợ đào tạo thêm nhiều chuyên gia công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Ngoài thỏa thuận hợp tác này, Acronis, do TS. Serg Bell sáng lập, cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với FPT, nhằm phát triển nguồn nhân lực bản địa cho trung tâm R&D sắp mở tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, với việc hợp tác chặt chẽ với các trung tâm R&D lớn nhất của Acronis tại Bulgaria và Singapore, đội ngũ tại Việt Nam sẽ phát triển các giải pháp bảo mật an ninh mạng tối tân và mang tính đột phá cho công ty.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Serg Bell cho biết, là một nhà kinh doanh, ông “nhìn thấy nhiều cơ hội ở Việt Nam”.
“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một quốc gia sản xuất ra những sản phẩm sử dụng khoa học - công nghệ tốt nhất trong khu vực”, TS. Serg Bell nói.
Theo ông, ở trong khu vực, có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... rất mạnh về công nghệ. Tuy nhiên, “Việt Nam có lẽ là có cơ hội tốt nhất, bởi chúng ta có những nhân tài xuất chúng”.
“Cách duy nhất giúp chúng ta thành công trong lĩnh vực công nghệ là con người. Và tiềm lực nhân tài thì Việt Nam không hề thiếu”, TS. Serg Bell nhấn mạnh.
Cùng xuất hiện trong cuộc họp báo với TS. Serg Bell có ông Philipp Roesler, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức và đã nhiều lần sang thăm Việt Nam, và giờ là một thành viên của SIT. Chia sẻ với báo giới, ông Philipp Roesler cho biết, khi ở Việt Nam, ông luôn ấn tượng bởi sự sáng tạo và năng động của giới trẻ Việt Nam.
“Họ có trình độ hoàn toàn ngang với mọi thanh niên khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông trên toàn thế giới. Chúng tôi nhận thấy mình có sứ mệnh hỗ trợ lực lượng trẻ này bằng cách cung cấp cho họ cơ hội về sân chơi để thể hiện năng lực và công cụ để họ hiện thực hoá ý tưởng của mình”, ông Philipp Roesler nói.