Tòa nhà VNG Campus đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 |
Công ty cổ phần VNG vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 265 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Trong đó, kết quả kinh doanh quý II cải thiện đáng kể so với quý liền trước. Riêng quý II, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.546 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 46,3% trong quý II/2019 lên 47,7% ở quý này. Dù chi phí bán hàng tăng 48%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 179 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp công nghệ này nằm trong số không nhiều tổ chức đề ra kế hoạch lỗ sau thuế hợp nhất trong năm 2020.
Theo giải thích của Chủ tịch HĐQT Lê Hồng Minh tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi trung tuần tháng 6/2020, đây dự kiến là năm tập trung đầu tư nhiều cho các sản phẩm chiến lược dài hạn, Ví điện tử ZaloPay là một ví dụ. Vì vậy, VNG đặt mục tiêu lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất là 246 tỷ đồng.
Như vậy, so với kế hoạch lỗ ròng đề ra, VNG vẫn còn dư địa lớn trong nửa cuối năm nay.
Nhờ khoản lãi nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đã tăng lên 6.127 tỷ đồng, gấp 17 lần so với mức vốn điều lệ 353 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty công nghệ này đến cuối quý II/2020 xấp xỉ 7.330 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với cuối năm trước. Hơn 4.370 tỷ đồng, tương đương tới 60% tài sản của VNG là tiền mặt hay các khoản tiền gửi ngân hàng. Trong đó, tiền và tương đương đạt hơn 1.700 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 1 năm xấp xỉ 2.460 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng dài hạn cũng đạt tới 211 tỷ đồng.
Lượng tiền dồi dào giúp VNG thu về 117 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm vừa rồi. Ngoài ra, do không có bất kỳ khoản vay ngân hàng nào, Công ty cũng không phải chi trả cho lãi vay như đa số các doanh nghiệp khác.
Cùng đó, VNG cũng đang có hơn 1.300 tỷ đồng các tài sản cố định chủ yếu là máy móc, thiết bị hay các tòa nhà làm việc như trụ sở VNG Campus mới đi vào hoạt động cuối năm 2019. Ngoài mở rộng quy mô tài sản, số lượng nhân sự nửa đầu năm nay cũng tăng 2.322 lên 2.639 người.
Tính đến cuối quý II/2020, giá trị sổ sách mỗi cổ phần của VNG đạt hơn 223.500 đồng, cải thiện so với hồi cuối năm 2019 (204.000 đồng/cổ phiếu). Cổ phiếu VNG từng được bán với giá cao hơn giá trị sổ sách trên nhiều lần. Hồi tháng 3/2019, VNG tái phát hành gần 356.000 cổ phiếu quỹ thu về khoản tiền lớn (hơn 599 tỷ đồng), tương đương mức giá bán bình quân 1,68 triệu đồng/cổ phiếu.
VNG trở thành “kỳ lân” đầu tiên tại Việt Nam khi từ 6 năm trước khi doanh nghiệp này được World Startup Report định giá 1 tỷ USD.
Đến cuối năm 2019, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 48,08% vốn của VNG. Công ty từng lên kế hoạch giao dịch trên sàn Nasdaq từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chưa thực hiện.