Với kỳ vọng trên, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 sẽ cao gấp 13,6 lần năm 2004, bình quân một năm tăng 10,2%. Đây là những tốc độ tăng khá cao, cao hơn các con số tương ứng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (11,7 lần và gần 9,6%/năm) và cao hơn các con số tương ứng của nhiều mặt hàng chủ yếu khác.
Kỳ vọng trên dựa trên nhiều căn cứ, trong đó căn cứ lớn nhất là kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý I/2021, đạt hơn 3,788 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ (theo số liệu của Tổng cục Hải quan), bình quân một tháng đạt 1,263 tỷ USD, trong đó tháng 3 đạt tới 1,512 tỷ USD. Nếu những tháng còn lại của năm 2021 cũng đạt mức bình quân này, thì cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt mốc 15 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tiếp tục xu hướng cao lên như trong tháng 3, thì cả năm có khả năng đạt quy mô lớn hơn.
Có nhiều yếu tố tác động đến dự báo trên, bao gồm các yếu tố ở đầu vào và các yếu tố ở đầu ra. Ở đầu vào, diện tích rừng trồng hàng năm liên tục đạt trên 260.000 ha; quý I/2021 đạt 33.200 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng gỗ khai thác tăng liên tục, năm 2020 đạt 16,91 triệu m3, quý I/2021 đạt gần 3 triệu m3, tăng 4%. Nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng, năm 2020 đạt 2,56 tỷ USD, quý I/2021 đạt 729 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu gỗ từ gần 30 thị trường, trong đó có 11 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt từ Trung Quốc đạt 225,7 triệu USD, chiếm 31% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Cả nước hiện có trên 11.000 doanh nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, sản xuất giường, tủ, bàn ghế, với tổng số khoảng 500.000 lao động, trên 320.000 tỷ đồng vốn sản xuất - kinh doanh, khoảng 360.000 tỷ đồng doanh thu thuần…
Ở đầu ra, trong quý I/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang trên 40 thị trường, trong đó có 18 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 4 thị trường đạt trên 100 triệu USD (lớn nhất là Mỹ gần 2,3 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc gần 360 triệu USD, Nhật Bản 356 triệu USD, Hàn Quốc gần 210 triệu USD).
Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện nay cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Về xuất khẩu, cần mở rộng thị trường (nhất là các thị trường như Canada, Anh, Australia, Đức, Pháp, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Bỉ, Thái Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Italia…); tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, trong đó có xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Cần gia tăng diện tích trồng rừng; hạn chế tình trạng thiệt hại rừng (quý I cháy rừng 116 ha, chặt phá rừng 242 ha) để vừa có nguyên liệu ở trong nước, hạn chế nhập khẩu (dễ gặp rủi ro về giá cả, thị trường, về xuất xứ, liên quan đến môi trường…), lại góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường, giải quyết việc làm…
Ngoài ra, cần tăng quy mô, tăng kết nối giữa các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu với lô hàng có khối lượng lớn, phải giao trong kỳ hạn ngắn của nhiều khách hàng ở một số thị trường…