Kết quả khả quan
Nói đến sản xuất vắc-xin, nhiều người thường nghĩ đến các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Pháp, Nga, Anh, Đức… Tuy nhiên, nhìn vào nỗ lực của các nhà sản xuất vắc-xin trong nước hiện nay, chúng ta có thể kỳ vọng vào một ngày không xa, vắc-xin Covid-19 của Việt Nam sẽ vươn ra khỏi biên giới quốc gia, có mặt tại các thị trường khó tính.
Sau khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên thâm nhập Việt Nam vào đầu năm 2020 và tình hình dịch trở nên căng thẳng, các nhà sản xuất đã ngay lập tức bắt tay vào quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. 4 nhà sản xuất tham gia vào cuộc đua này là Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm y tế (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (Ivac) và Công ty TNHH Dược Nanogen.
Sau hơn 1 năm nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất, đã có 2 loại vắc-xin của Việt Nam tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người với kết quả khả quan là vắc-xin Nano Covax của Công Nanogen và vắc-xin Covivac do Viện Ivac nghiên cứu. Theo đó, Nanogen có năng lực sản xuất 70 triệu liều/năm. Còn Ivac dự kiến có thể đạt khoảng 30 triệu liều/năm.
Nói về triển vọng của vắc-xin Covivac, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dù tiến hành nghiên cứu, phát triển trong thời gian ngắn, song vắc-xin Covivac đã trải qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng chặt chẽ. Kết quả bước đầu cho thấy, vắc-xin không chỉ có hiệu quả với những chủng thông thường, mà cả chủng đột biến Anh, Nam Phi.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu vắc-xin Covivac, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Ivac cho hay, vắc-xin Covivac được nghiên cứu phát triển từ tháng 5/2020, với mục tiêu sau 18 tháng sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá thành thấp. Đây là vắc-xin dạng dung dịch, không có chất bảo quản với 3 nhóm liều 1mcg, 3mcg và 10mcg gồm 2 loại có tá chất và không có tá chất.
Còn về vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen, cuối tháng 2/2021 vừa qua, tại Học viện Quân y (Hà Nội) và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (Long An) đã diễn ra thử nghiệm giai đoạn II. Quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax được bắt đầu từ tháng 12/2020, trải qua 3 đợt tiêm thử nghiệm trên người, dự kiến kết thúc vào tháng 12/2021.
Ngoài 2 loại vắc xin nêu trên, ông Đỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Công ty Vibiotech cho hay, cơ sở cũng đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc-xin thứ ba của Việt Nam trên động vật và chuẩn bị tiến hành thử nghiệm trên người.
Như vậy, có thể thấy, hiện nay chúng ta đang có tiềm năng rất lớn về 2 loại vắc-xin là Nano Covac đã tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn II với kết quả rất khả quan. Tiếp sau đó, Covivac là vắc-xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn I. Vắc-xin này được giới chuyên gia trong nước và thế giới đánh giá cao qua các kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng. Sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm vắc-xin thứ 3 do Công ty Vabiotech sản xuất, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên người.
Tiến ra biển lớn
Chia sẻ về tiến độ phát triển vắc-xin của Việt Nam, TS. Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho hay, khoảng tháng 4/2021 sẽ hoàn thành, đánh giá chính xác liều tiêm tối ưu của vắc-xin Nanocovac để sang tháng 5/2021, trong giai đoạn III của thử nghiệm âm sàng, vắc-xin Nanocovac có thể được tiêm rộng rãi.
Với vắc-xin Covivac, theo ông Nguyễn Ngô Quang, sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I kết thúc, nếu vắc-xin cho thấy đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn II với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), một cơ sở y tế đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lựa chọn và tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng nhiều vắc-xin trước đây.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tự tin khẳng định, với tiến độ của 3 nhà sản xuất vắc xin nêu trên có thể giúp Việt Nam chủ động được nguồn vắc-xin Covid-19 trong nước vào năm 2022, thậm chí có thể thành công trong xuất khẩu vắc-xin.
Kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Y tế là hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 trên người. Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc-xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, là một trong những điều kiện cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc-xin với các nước.
Dù đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị sản xuất vắc-xin, song tại nhiều cuộc làm việc với Bộ Y tế và với các cơ sở sản xuất vắc-xin, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam liên tục yêu cầu các cơ sở sản xuất, nghiên cứu phải tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy chuẩn, bảo đảm vắc-xin thử nghiệm đạt chất lượng.
“Khẩn trương, rút ngắn thời gian, nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học bởi tính mạng của người dân quan trọng hơn tất cả”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.