Lực lượng công an phát hiện và khám xét kho hàng thực phẩm chức năng có dấu hiệu làm giả sản phẩm sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen... của các thương hiệu nổi tiếng |
Rất dễ “vớ” phải hàng giả
Cuối tháng 1-2015 vừa qua, thị trường mỹ phẩm ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vừa được một phen chấn động khi hơn 10 tấn thực phẩm chức năng giả bị cơ quan chức năng bắt giữ và xử lý.
Phần lớn trong số này là những loại thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm liên quan đến collagen, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại được gắn mác Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… những thiên đường của các sản phẩm làm đẹp.
Có thể thấy, lợi nhuận khổng lồ từ những sản phẩm này khiến gian thương bất chấp tất cả để thu lợi. Điều đáng nói là những sản phẩm được làm giả này được đi kèm với bao bì, mẫu mã trông rất “xịn” của những thương hiệu nổi tiếng thế giới và bất cứ người thường nào cũng có thể dễ dàng bị đánh lừa.
Collagen được hiểu nôm na là chất kết dính, quyết định độ săn chắc của da, cân bằng độ ẩm và tái tạo làn da, giúp ngăn ngừa các nếp nhăn. Thế nên, việc bổ sung collagen được coi là cách thức hữu hiệu giúp chị em duy trì sự tươi trẻ, khỏe mạnh.
Cũng như những loại mỹ phẩm làm đẹp sử dụng ngoài da, collagen là mặt hàng rất dễ làm giả và khó kiểm soát. Hai dạng collagen dễ bị làm giả nhất là dạng viên (nén hoặc con nhộng) cũng như dạng nước (đóng chai nhỏ). Thị trường collagen đang như một ma trận mà người tiêu dùng, nhất là những phụ nữ sốt sắng làm đẹp có thể hoa mắt và lạc lối bất cứ khi nào.
Chị Lê Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội), cuối năm 2014 bỏ ra 3 triệu đồng để mua 2 hộp và 6 vỉ collagen dạng viên từ một người bạn với lời mời chào “hàng xịn xách tay từ Mỹ”. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng sử dụng, làn da của chị không những không có dấu hiệu cải thiện mà còn thường xuyên bị dị ứng và mẩn đỏ.
Đi khám bác sĩ, chị Trang mới biết là bị dị ứng do sử dụng phải sản phẩm collagen giả. “Tôi thật sự thấy hối hận. Lúc mua thì thấy quảng cáo dùng trong khoảng 2 tuần là sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Nhưng tới hơn 1 tháng, tôi chỉ thấy hậu quả chứ chẳng thấy hiệu quả đâu. Khi mang trả người bán và yêu cầu làm rõ trách nhiệm thì họ cũng nói thật rằng nhập từ một nguồn trên mạng. Rất may tôi đã kịp tới bác sĩ, nếu không chưa biết hậu quả sẽ còn thế nào”, chị Trang nói.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc
Thầy thuốc ưu tú, Đại tá Lê Thúy Mùi (Bệnh viện 354), người có kinh nghiệm lâu năm trong việc làm đẹp bằng các sản phẩm collagen khuyến cáo: “Làm đẹp bằng collagen là một xu thế của xã hội hiện đại, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều mặt trái nếu người tiêu dùng không được trang bị kiến thức đầy đủ.
Khi sử dụng những thực phẩm chức năng, collagen không rõ nguồn gốc, rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Những chất độc hại trong các sản phẩm giả có thể khiến các tế bào trong cơ thể bị biến đổi và làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan nội tạng như gan, thận, tiêu hóa. Nhẹ thì bị dị ứng, ngộ độc… nặng hơn thì ung thư và thậm chí là tử vong. Từ quá trình “làm đẹp”, bỗng nhiên nhiều người tiêu dùng lại mất tiền để “làm xấu” chính mình”.
Đại tá Lê Thúy Mùi cho biết: “Tôi đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng, viêm nhiễm da do dùng collagen giả. Họ đều đưa tôi xem những sản phẩm mà họ sử dụng. Tất cả đều không có mã vạch theo đúng chuẩn quốc tế, không có hướng dẫn, hạn sử dụng hay số lô sản phẩm. Đây là điều mà tôi chưa từng thấy ở những sản phẩm chính hãng, có uy tín. Tôi cho rằng nếu cần dùng thì nên được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa”.
Trong khi đó, Đại tá Lê Văn Lợi, nguyên Trưởng phòng giám định Hóa Pháp lý - Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, đơn vị thường xuyên giám định những sản phẩm thực phẩn chức năng, trong đó có collagen, cho biết: “Trong quá trình sản xuất Collagen, người ta cần dùng đến các chất hóa học như chất xút (NaOH) hay một số loại axít (như HCl). Bên cạnh đó phải có hệ thống trang thiết bị đồng bộ và tối tân. Chính vì thế, chỉ có những đơn vị làm ăn nghiêm túc mới chịu đầu tư với chi phí cao.
Còn những người làm giả, tất nhiên vì mục đích lợi nhuận nên họ sẽ bất chấp để sản xuất ra cái gọi là collagen với chi phí thấp và không đúng quy trình. Sản phẩm làm ra tất nhiên không đảm bảo chất lượng, thậm chí còn như “thuốc độc” dành cho người sử dụng. Vì thành phẩm sẽ còn đọng lại nhiều tạp chất, kim loại nặng gây hại cho sức khỏe con người”.
Với thị trường rộng lớn và ngập tràn các sản phẩm làm đẹp trôi nổi như hiện nay, theo các chuyên gia, người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm có thương hiệu rõ ràng với nguồn gốc và cách sử dụng cụ thể ở nơi có uy tín, được phân phối và kiểm định rõ ràng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
“Nóng” chuyện buôn lậu hàng xa xỉ () Càng gần Tết Ất Mùi, tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái các mặt hàng xa xỉ càng có dấu hiệu phức tạp, khó lường. |
TP.HCM phát hiện nhiều vụ buôn bán hàng hóa nhập lậu () Chiều 30/1, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đột xuất kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Ly Na, tại số 61 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 đã phát hiện số lượng lớn mặt hàng mỹ phẩm các loại không có chứng từ hóa đơn; trong đó có nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, hết hạn sử dụng hoặc hàng xách tay. |
Giáp Tết, cảnh giác với thịt nhập khẩu () Hàng loạt vụ thịt trâu nhập khẩu về Việt Nam nhưng được các doanh nghiệp “phù phép” biến thành thịt bò, đánh lừa người tiêu dùng trong nước, thêm một lần nữa “cảnh tỉnh” các thượng đế khi tiêu dùng sản phẩm: thịt bò nhập khẩu. |
Để xảy ra buôn lậu lớn, xử lý trách nhiệm người đứng đầu () Xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương cho đối tượng khác; địa phương nào để xảy ra buôn lậu lớn, lặp đi lặp lại, gây nhức nhối, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định. |
Phù Dung (ANTĐ)