Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An cho biết hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 44,87% năm 2007 xuống còn 29,68% năm 2017.
. |
Được biết, Lai Châu là một tỉnh khó khăn nhất cả nước, đất rộng nhưng địa hình đồi núi, chỉ có 5.000ha đất trồng trọt được, còn lại là núi đá, kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, có 62 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, những năm qua, Lai Châu đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, từng bước giảm nghèo.
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc chi nhánh tỉnh Lai Châu Hoàng Minh Tế, nguồn vốn từ tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; giải quyết những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống; Giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, là thông qua sử dụng vốn tín dụng ưu đãi đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Hiện, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/3/2018 đạt 1.803 tỷ đồng, tăng 1.757 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao. Có 48.874 hộ vay, tăng 42.905 hộ vay so với thời điểm nhận bàn giao với 62.563 món vay còn dư nợ.
Trong đó, số hộ dân tộc thiểu số đang vay trong các chương trình tín dụng còn dư nợ là 44.977, chiếm 92% số hộ vay vốn; số món vay là 56.131, chiếm 89,7%/tổng số món vay; Với tổng dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 1.582.887 triệu đồng, chiếm 87,7% tổng dư nợ các chương trình trên địa bàn.