Sức khỏe doanh nghiệp
Lãi của Cao su Thống Nhất vượt kế hoạch, giá bán chuối tăng cao
Thị Hồng - 08/07/2021 14:59
Hàng loạt thách thức trong quá trình trồng, khai thác mủ cao su nên Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC) đang đặt kỳ vọng vào giá chuối liên tục tăng.

Năm 2020, kế hoạch tái canh vườn cao su của công ty Cao su Thống Nhất bị tạm hoãn do tiến độ thanh lý cao su chậm vì thị trường gỗ khó tiêu thụ. 

Cùng với đó, giá tiêu thụ mủ cao su, gỗ cao su thanh lý và trái cây tươi giảm mạnh trong giai đoạn từ quý I đến quý III/2020, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của công ty.

Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động khai thác mủ, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường làm thất thu sản lượng đáng kể, dịch sâu, bệnh trên cây sao su,…

Kết quả, sản lượng mủ được khai thác trong năm 2020 chỉ đạt 85% kế hoạch (gần 941 tấn) do thiếu lao động khai thác, thời tiết diễn biến bất thường, mưa dầm làm thất thu sản lượng,…

Bảng: Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 của Cao su Thống Nhất.

Chỉ tiêu

Kế hoạch 2021

Đvt

 Sản lượng mủ khai thác

 1.138

 Tấn

 Sản lượng mủ SVR chế biến

 1.103

 Tấn

 Sản lượng cao su tiêu thụ trong năm

 1.089

 Tấn

 Sản lượng chuối Canendis thu hoạch và tiêu thụ (đã trừ sản lượng của đối tác)

 1.660

 Tấn

 Sản lượng mít Changai thu hoạch và tiêu thụ (đã trừ sản lượng của đối tác)

 77

 Tấn

 Giá bán thành phẩm cao su bình quân

 36

 Triệu đồng/tấn           

 Giá bán chuối bình quân

 7,8      

 Triệu đồng/tấn

 Giá bán mít bình quân

 20       

 Triệu đồng/tấn

 Tổng doanh thu

 93

 Tỷ đồng

 Lợi nhuận sau thuế

 30

 Tỷ đồng

 Tỷ lệ cổ tức tối thiểu

 15

 %

Ban lãnh đạo Cao su Thống Nhất cho rằng, sự cạnh tranh lao động của các khu công nghiệp mới trên địa bàn đã thu hút lượng lớn lao động khai thác mủ.

Dù đã xây dựng chính sách lương thưởng bằng và cao hơn các doanh nghiệp cùng ngành tại địa bàn nhưng doanh nghiệp này vẫn bị thiếu lao động khai thác mủ. 

Tình trạng thiếu lao động sẽ tiếp diễn trong thời gian tới với Cao su Thống Nhất Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cao su Thống Nhất khi công ty dự kiến mở cạo thêm hơn 85 hecta trong năm nay. 

221 lao động thuộc công ty này (tính đến cuối năm 2020) có mức thu nhập bình quân 8.2 triệu đồng/người/tháng. 

Năm ngoái, Cao su Thống Nhất ghi nhận doanh thu 118,1 tỷ đồng chỉ đạt 97,2% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch 3,6% (xấp xỉ 55 tỷ đồng) nhờ hoạt động kinh doanh chuối tăng ngoài kỳ vọng.

Giá trung bình mỗi tấn chuối của doanh nghiệp này ở mức 6 triệu đồng, bằng với mỗi tấn cao su SVR 3L và cao hơn giá bán năm 2019 là 1,6 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, sản lượng chuối được thu hoạch trong năm ngoái của Cao su Thống Nhất đạt hơn 3.300 tấn, gấp hơn 3 lần so với lượng cao su SVR 3L. Sản lượng chuối được thu hoạch và tiêu thụ trong năm 2020 tăng gần 15% so với kế hoạch. 

Cơ cấu doanh thu quý I/2021 của Cao su Thống Nhất so với cùng kỳ năm ngoái theo từng nhóm sản phẩm.

Năm nay, ngay từ quý đầu năm, công ty này tự tin khi tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, giá cao su tăng mạnh do các chính sách thúc đẩy tiêu thụ ôtô của Trung Quốc nhằm phục hồi ngành công nghiệp ôtô sau đại dịch. 

Đồng thời, trong 3 tháng đầu năm nay, nguồn cung cao su trên thị trường bị hạn chế do tính chất mùa vụ. Giá chuối biến động theo chiều hướng tăng ở 2 tháng đầu năm trước khi giảm vào tháng 3 và quay đầu tăng trở lại từ tháng 5.

Bên cạnh thị trường nội địa, sự biến động về giá chuối sẽ phụ thuộc vào phía tiêu thụ chính là Trung Quốc.

Quý đầu năm nay, Cao su Thống Nhất ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ, chỉ còn 6.8 tỷ đồng do năm ngoái có khoản doanh thu lớn từ hoạt động tài chính.  

Hiện, ông Nguyễn Hữu Mạnh Nhường, Chủ tịch HĐQT công ty đang đại diện 51% vốn sở hữu của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. 

Cao su Thống Nhất có 1 khoản đầu tư dài hạn với vốn góp xấp xỉ 1.8 triệu USD và nắm 12% vốn điều lệ Công ty cổ phần Dịch vụ xuất nhập khẩu nông lâm sản và phân bón Bà Rịa (Baria Serece).

Bên cạnh việc phát triển cây cao su, công ty này định hướng tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thông qua các khoản đầu tư vào một số cây trồng thị trường tiêu thụ ổn định như chuối cấy mô, mít Changai,…

Điều này được cho là vừa giúp thực hiện đúng định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh, mặt khác giúp tăng hiệu quả sử dụng đất. 

Bên cạnh dự án 73 hecta dùng cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Cao su Thống Nhất dự tính tiếp tục chuyển đổi hơn 90 hecta đất tại đội cao su Phong Phú, trên 81 hecta đất không phù hợp trồng cây cao su tại nông trường cao su Hoà Bình 2 sang trồng các loại cây khác.

Tin liên quan
Tin khác