Ngân hàng - Bảo hiểm
Lại hủy đấu thầu vàng: Chuyên gia kiến nghị giảm lượng mua tối thiểu về 500 lượng
T.L - 03/05/2024 12:21
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo hủy phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng vào sáng nay (3/5) do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Đây là phiên đấu thầu vàng miếng thứ ba bị hủy. Như vậy, trong 4 phiên đấu thầu vàng được NHNN tổ chức, mới có duy nhất một phiên đấu thầu vàng diễn ra với 3.400 lượng vàng trúng thầu (chỉ chiếm 20% tổng lượng vàng được mang ra đấu thầu). 

Mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc được Ngân hàng Nhà nước đưa ra sáng nay là 82,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá mua vào của các doanh nghiệp trên thị trường sáng nay (83,5 triệu đồng/lượng). Dù vậy, đây vẫn chưa phải là mức giá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Sáng nay, vàng miếng tiếp tục tăng ở vùng giá cao nhất lịch sử. Hiện các doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC tại 83,5-85,5 triệu đồng/lượng (mua – bán ra), chênh lệch với giá thế giới trên 13 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến vàng đấu thầu liên tục “ế” là do điều kiện tham gia đấu thầu không phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo quy định của NHNN, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao. Chưa kể, sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau 2 ngày mới được giao trong khi giá vàng biến động rất mạnh. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro.

“NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 500 lượng vàng, sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn”, ông Long đề xuất.

Ngoài ra, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc mà NHNN đưa ra cũng chưa hấp dẫn, thậm chí còn cao hơn giá vàng miếng SJC mua vào trên thị trường.

“Điều này cho thấy NHNN vô tình “công nhận” giá thị trường của vàng miếng SJC hiện nay, không đúng mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Như vậy, nếu đơn vị trúng thầu giá phải cao hơn giá sàn thì có rủi ro lớn và sẽ bị lỗ”, ông Long nói.   

Để đấu thầu vàng thành công, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đầu tiên NHNN cần phải xây dựng lại mức giá đấu thầu phù hợp. Thứ hai, tỷ lệ đặt cọc 10% cũng là con số khá lớn, cần xem lại.  

Nếu sửa đổi các điều kiện và mức giá vàng đầu thầu, tỷ lệ vàng trúng thầu thành công sẽ cao hơn, theo ông Thịnh. Dù vậy, theo chuyên gia này, với nhu cầu thị trường hàng chục tấn vàng/năm của thị trường, việc đấu thầu 16.800 tấn vàng như muối bỏ bể.

“Đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài chúng ta cũng cần xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay”, ông Thịnh đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác