“Thiên thời” cho ngành gạo
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD. Kết quả trên tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm ước đạt 526 USD/tấn, tăng 8%. Mức giá này giúp gạo Việt Nam vượt Thái Lan, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới và cũng là mức cao nhất 2 năm qua.
Đà tăng trưởng này được dự báo tiếp tục trong thời gian tới, do những tháng cuối năm, giá lương thực còn biến động vì tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến nhiều nước tăng cường dự trữ lương thực.
Ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh (Lotus Rice) cho biết, công ty ông đang xuất khẩu vài ngàn tấn gạo/năm sang thị trường EU, nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của thị trường này.
“Vấn đề bây giờ không phải là giá cả, mà chúng ta cần số lượng đủ, chất lượng tốt để cung cấp cho đối tác”, ông Khỏe nói.
Lợi nhuận đi ngược
Dù đứng trước “thiên thời” như vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp lúa gạo lại liên tục báo cáo tình hình kinh doanh không mấy tích cực trong những tháng đầu năm 2023.
Trong số 8 doanh nghiệp ngành gạo công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, chỉ có 3 doanh nghiệp lãi tăng, 3 doanh nghiệp lãi giảm và 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.
Nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp lúa gạo là biến động về tỷ giá, khiến chi phí tài chính tăng cao, giá vốn cao do ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao, giá vốn nguyên liệu đầu vào tăng.
Quý I/2023, Công ty cổ phần Lộc Trời, một trong những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu gạo, báo lỗ gần 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này có lợi nhuận dương 184 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí vốn và chi phí tài chính tăng mạnh, khiến lợi nhuận thu về bị “bào mòn”. Trong kỳ, giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp.
Cùng cảnh ngộ, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 với thông tin kém vui, khi doanh thu giảm 6%, còn lợi nhuận sau thuế giảm đến 69%, về mức 8,5 tỷ đồng. Công ty này lý giải, nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, giá vốn tăng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết, dù nằm trong nhóm ngành hàng được ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song hiện Trung An vẫn phải chịu mức lãi suất hơn 9%, trong khi trước đó chỉ khoảng 6%.
“Theo chỉ đạo, những nhóm ngành hàng được ưu tiên không phải chịu mức lãi suất vượt quá 5%. Chúng tôi đã liên hệ với các ngân hàng, nhưng chỉ nhận được câu trả lời là phải chờ hội sở hướng dẫn. Các ngân hàng đang hành động rất chậm”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, hiện doanh nghiệp không còn cách nào khác, ngoài việc tiếp tục chờ đợi động thái từ các ngân hàng thương mại. Nếu lãi suất không hạ, sẽ tiếp tục bào mòn không chỉ lợi nhuận, mà thậm chí cả vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp lớn khác là Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng gặp tình trạng này. Trong quý I/2023, doanh thu của Vinafood 2 tăng tới hơn 65% so với cùng kỳ năm 2022, đạt khoảng 4.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng tăng hơn 30 tỷ đồng đã xói mòn lợi nhuận thu về.
Kết quả lợi nhuận trước thuế của Vinafood 2 trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tiếp tục lỗ 7,16 tỷ đồng.
Tính đến đến ngày 31/3, nợ vay của Vinafood 2 là trên 3.700 tỷ đồng, tăng gần 1.160 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 42,5% cơ cấu vốn. Trong đó gần như toàn bộ là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động. Tỷ lệ nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng, khiến tình hình kinh doanh của Vinafood 2 dự báo còn nhiều thách thức khi vẫn phải tiếp tục chờ đợi động thái từ các ngân hàng thương mại.
Tương tự, bà Bùi Thị Thúy Vân, Kế toán trưởng Công ty TNHH SUNRISE INS cho biết, hiện doanh nghiệp này đang chịu mức lãi suất 6-7% khi vay USD từ các ngân hàng tư nhân. Mức lãi suất trên khá cao, khiến doanh nghiệp rất khó kinh doanh có lãi.
“Tuy nhìn bên ngoài doanh nghiệp kinh doanh tốt, doanh thu cao, nhưng thực chất lợi nhuận phần lớn đang phải trả lãi cho ngân hàng. Nếu tình trạng này tiếp diễn lâu dài sẽ rất khó cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển”, bà Vân nói.