Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ra sao 8 năm qua?
Thanh Thủy - 19/11/2019 11:00
Động thái mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước là giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên từ hôm nay (19/11).
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bằng đồng nội tệ phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm với kỳ hạn ngắn hạn; 9,0-11%/năm với khoản vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD quanh mức 3,0-6,0%/năm.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời điểm cách đây 8 năm, đà giảm của mặt bằng lãi suất cho vay đã đi một chặng đường dài. Năm 2011, cho vay phi sản xuất bằng đồng nội tệ cao nhất trong các lĩnh vực, lên tới 22-25%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn.

Đi cùng và bao gồm cả vai trò dẫn dắt mặt bằng lãi suất trên thị trường, các loại lãi suất điều hành do  Ngân hàng Nhà nước  công bố là công cụ chính sách tiền tệ truyền dẫn tác động vào nền kinh tế. Một số loại lãi suất điều hành đang được  Ngân hàng Nhà nước  sử dụng hiện nay gồm cặp lãi suất tái chiết khấu – tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi bằng đồng VND và USD. Ngoài ra, đối với lãi suất cho vay,  Ngân hàng Nhà nước cũng đang áp dụng mức tối đa đối với các khoản vay 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong động thái mới đây nhất,  Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất huy động và cho vay từ hôm nay (19/11).

Trần lãi suất huy động  kỳ hạn 1-6 tháng bằng đồng nội tệ giảm còn 5%/năm

Cuối năm 2011, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa được quy định ở mức 6%/năm, còn với kỳ hạn 1-12 tháng là 14%/năm. Tuy nhiên, từ tháng 3/2013,  Ngân hàng Nhà nước quy định mức tối đa đối với lãi suất tiền gửi bằng tiền đồng đối với kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn 1-6 tháng.

Tổng cộng,  Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh trần lãi suất huy động 10 lần từ cuối năm 2011 đến nay.  Trong đó, 8 lần giảm lãi suất được thực hiện trong 4 năm đầu. Phải sau hơn 4 năm, từ 29/10/2014.  Ngân hàng Nhà nước mới có lần giảm lãi suất tiếp theo vừa qua. Lãi suất tối đa áp dụng với kỳ hạn dưới 1 tháng sau 8 năm giảm 8 lần, còn 0,8%/năm. 

Gần 4 năm duy trì lãi suất huy động USD 0%/năm cho mục tiêu chống đôla hóa

Qua 6 lần điều chỉnh từ cuối năm 2011, mức trần áp dụng đối với lãi suất huy động đồng USD hiện đã xuống và duy trì ở mức 0%/năm, áp dụng cả với nhóm cá nhân và tổ chức.

Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên

Cũng trong ngày 19/11,  Ngân hàng Nhà nước hạ mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.


Cặp lãi suất tái chiết khấu – tái cấp vốn giảm hơn một nửa

Hai tháng trước khi điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động,  Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh cặp lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tài chiết khấu. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm còn 7%/năm từ mức 16%/năm hồi cuối năm 2011.

Sau hơn 2 tháng giảm cặp lãi suất điều hành này, cùng yếu tố thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm khá sâu với lãi suất qua đêm nhiều thời điểm xuống dưới 2%/năm.

Tin liên quan
Tin khác