Với việc tăng liên tục nhiều tháng, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ sớm có đợt điều chỉnh. Ảnh: Dũng Minh |
Dòng tiền dịch chuyển
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn hiện chỉ còn xoay quanh 6,3-6,5%/năm. Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi đầu tư tư nhân trong những quý tới, đồng thời cũng làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi so với kênh đầu tư chứng khoán.
Chưa có số liệu mới nhất, song theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 5/2023, tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng chỉ tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn hẳn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng trong 4 tháng đầu năm. Đây cũng là mức tăng theo tháng thấp nhất kể từ tháng 10/2022.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, trong 2 tháng gần đây, tăng ròng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục giảm.
Ở chiều hướng ngược lại, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh. Sự tăng trưởng của dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán phản ánh phần nào sức nóng của thị trường. Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay margin của 10/10 công ty chứng khoán có thị phần cho vay margin lớn nhất đều tăng mạnh, với tổng mức tăng gần 24% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán tăng 60-70%.
Có 5 lớp tài sản chính, gồm 3 lớp tài sản phòng thủ (tiền gửi, trái phiếu, vàng) và 2 lớp tài sản tăng trưởng, có rủi ro cao hơn (cổ phiếu, bất động sản). Trong từng bối cảnh kinh tế, nhà đầu tư phải có sự lựa chọn khác nhau. Thông thường, khi chính sách tiền tệ thắt chặt, thì nhà đầu tư ưu tiên các lớp tài sản phòng thủ và ngược lại, khi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ ưu tiên tăng trưởng. Để có kế hoạch phân bổ vốn hiệu quả, đầu tiên, nhà đầu tư cần phải hiểu rất rõ khẩu vị rủi ro của chính mình, từ đó lựa chọn phân bổ các kênh đầu tư.
Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA)
Ngoài yếu tố lãi suất rẻ, dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán từ đầu năm đến nay còn bởi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản, trái phiếu… đều kém khả quan.
Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam trong quý II/2023 giảm 9%, từ 14 tấn vào quý II/2022 xuống còn 12,7 tấn. Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi và xu vàng giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 9,6 tấn trong quý II/2022 xuống còn 9,1 tấn trong quý II/2023.
Điều tương tự cũng xảy ra với vàng trang sức, khi nhu cầu giảm từ 4,5 tấn trong quý II/2022, xuống còn 3,7 tấn vào quý II/2023 (giảm 18% so cùng kỳ năm trước).
Kinh tế khó khăn 6 tháng đầu năm, chịu tác động từ sự suy thoái của thị trường bất động sản, thanh khoản thấp… là những yếu tố khiến nhà đầu tư chán nản với vàng.
Với bất động sản, dù thị trường dần phục hồi từ tháng 5/2023 đến nay và đã trải qua thời điểm khó khăn nhất, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sớm nhất phải đến đầu năm 2024, thị trường mới phục hồi. Sở dĩ bất động sản phục hồi chậm do nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu (nhu cầu vay mua nhà giảm), thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn…
Kỷ nguyên tiền đắt chưa kết thúc, biến số nào đe dọa dòng tiền cuối năm?
Hiện nay, chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn là ẩn số lớn. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là liệu các quốc gia lớn có xoay chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, giống như nhiều nước châu Á đang làm?
Theo dự đoán của các chuyên gia, cuối năm nay hoặc đầu năm tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất, đồng nghĩa đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng.
Tuy vậy, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, hiện tại, Fed mới chỉ hàm ý tạm ngưng chính sách thắt chặt tiền tệ. Điều này không có nghĩa là sẽ chuyển sang nới lỏng. Lạm phát của Mỹ vẫn còn cao sau giai đoạn bơm tiền “trực thăng” và lệnh cấm xuất khẩu gạo mà nhiều nước đưa ra mới đây có thể kích hoạt lạm phát toàn cầu tăng trở lại khiến Mỹ phải thận trọng.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá xa so với kỳ vọng, nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba lần từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh vĩ mô chưa cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thị trường tăng một mạch hầu như không có đợt điều chỉnh nào trong những tháng gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Do đó, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư giảm dư nợ margin, giảm nắm giữ “hàng nóng”.
“Vì thị trường đã có hiện tượng FOMO (Fear Of Missing Out - sợ bỏ lỡ), nên sự điều chỉnh là cần thiết để tăng trưởng bền vững hơn. Song theo quan điểm của tôi, thị trường nếu có điều chỉnh cũng không làm thay đổi xu hướng tăng trung, dài hạn. Chính vì vậy, tôi khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ cổ phiếu tốt nếu không sử dụng đòn bẩy”, ông Khánh khuyến nghị.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đã đi từ giai đoạn tích lũy sang giai đoạn tăng nghi ngờ và chuyển sang giai đoạn tăng, cùng sự xuất hiện những dấu hiệu FOMO. Dự báo, thị trường khó tránh đợt điều chỉnh trong tháng 8, tháng 9 năm nay, do đó, nhà đầu tư cần thận trọng với lệnh mua mới, hoặc chấp nhận đầu tư dài hạn.
Nhìn về vĩ mô, thông điệp chính sách trong nước đã rõ nét. Chính phủ liên tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn, “thúc” ngành ngân hàng giảm thêm lãi vay, bơm tín dụng ra nền kinh tế. Các gói hỗ trợ tài khóa cũng đã và đang được triển khai. Vấn đề còn lại chỉ là hiệu quả thực thi.
Ngay cả khi chính sách tiền tệ các nước lớn thắt chặt hơn, thì Việt Nam cũng khó có khả năng đảo chiều từ nới lỏng hiện nay sang thắt chặt, do sức cầu của nền kinh tế yếu. Nói cách khác, lãi suất trong nước thời gian tới vẫn sẽ đứng ở mức thấp và sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Thêm vào đó, nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi tốt hơn nhờ loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đang tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư. Nhìn về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn “sáng” so với các kênh đầu tư khác.
Mặc dù thị trường đang có nhiều cơ hội sinh lời hấp dẫn, song đầu tư vào đâu để đồng tiền sinh lời một cách hiệu quả đang là câu chuyện làm đau đầu các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư muốn rót vốn vào kênh chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 30% từ đáy và đã vượt qua mốc tâm lý 1.200 điểm, song lại đang bị chi phối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ không biết cách phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, nên dễ bị yếu tố tâm lý đám đông chi phối. Chính vì vậy, nếu không có nền tảng phân tích cơ bản, các chuyên gia phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm đến các cố vấn tài chính.
Riêng với thị trường bất động sản, dù đã rục rịch ấm lên, song các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư chỉ nên nhắm đến phân khúc phục vụ nhu cầu thật, có hạ tầng kèm theo, bởi đây là phân khúc có thanh khoản tốt nhất thời điểm này.