Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất huy động kỳ hạn dài hiện vẫn ở mức cao
Vân Linh - 13/05/2020 14:12
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành và cả trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở xuống để qua đó các ngân hàng kéo lãi suất cho vay. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn tiền gửi dài ngày hiện vẫn dao động 7 - 8%/năm.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ hôm nay (13/5), một loạt lãi suất như lãi suất tiền gửi, lãi suất OMO, lãi suất cho vay, lãi suất tái chiết khấu... được điều chỉnh giảm tới 0,5% so với trước đó.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (lãi suất OMO) từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm còn trần lãi suất tiền gửi từ không kỳ hạn đến dưới 1 tháng giảm từ 0,5% xuống 0,2%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên (5 lĩnh vực ưu tiên) giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.

Tuy nhiên, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài ngày tại các ngân hàng vẫn ở mức 7 - 8%/năm.

Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng tại NCB, SCB, Nam A Bank, CBBank lần lượt 7,7%/năm; 8,03%/năm; 8%/năm và 8,3%/năm. Cao hơn là ở kỳ hạn tiền gửi 12 tháng tại SCB, CBBank, Nam A Bank,  NCB, Viet Capital Bank lần lượt: 8,48%/năm; 8,4%/năm; 8,3%/năm; 8,2%/năm và 8%/năm. 

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, về mặt bằng lãi suất tiền gửi trong thời gian tới ở kỳ hạn dài tiếp tục ổn định, thậm chí có thể tăng nhẹ, nếu cầu vốn của doanh nghiệp cải thiện. Còn hiện tại trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm.

Một phần, do sau dịch bệnh cầu vốn của doanh nghiệp chủ yếu ngắn hạn, các ngân hàng tập trung cho vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi hơn trước, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành kể từ ngày 13/5/2020. Tuy nhiên, theo ông Minh nhu cầu vốn của khách hàng sau khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát chưa tăng cao. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay, tính đến hết tháng 4/2020, tăng trưởng huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM chỉ tăng 0,5%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố đến hết tháng 4/2020 là 2,22%.

Sở dĩ nguồn tiết kiệm chỉ tăng nhẹ trong những tháng đầu năm nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lãi suất tiết kiệm có chiều hướng giảm nhẹ, ngân hàng có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay. Trong đó, từ đầu tháng 4/2020, nhiều  ngân hàng thương mại đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng giảm ở các kỳ hạn.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) có sự điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng về mức 5,1%/năm, giảm 0,2 điểm % so với tháng 3/2020. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn dài ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân vẫn duy trì 7 - 8%/năm mới có thể hút nguồn tiền nhàn rỗi. 

Tin liên quan
Tin khác