Ngân hàng
Lãi suất không còn là rào cản trong vay vốn
Vân Linh - 20/02/2024 13:54
Ngành ngân hàng cho rằng, hiện lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm sâu so với đầu năm 2023 và trở về thời trước Covid-19, nên không còn là rào cản trong cho vay.

Lãi vay đã giảm mạnh

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng ngày 20/2/2024 ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho hay, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm (cả huy động và cho vay) trở về mức cả trước Covid-19.

Do đó, hiện mặt bằng lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay. Ngay từ đầu năm đã ban hành gói tín dụng 60.000 đồng cho vay cá nhân, đồng thời đẩy mạnh cho vay xuất khẩu, với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp tối đa 2,5%/năm so với mức lãi suất thông thường tại Agribank.

Lãi suất không còn là rào cản trong vay vốn?

Tuy nhiên, theo ông Vượng, quý đầu năm, thường tín dụng khó tăng cao, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đáng chú ý trong bối cảnh thị trường hiện nay thì người dân và cả nhà đầu tư cũng chưa mặn mà với xu hướng đầu tư khi các kênh đầu tư còn trầm lắng mà vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.

Nhưng nhìn chung, dư nợ cho vay cũng đang có xu hướng tăng, riêng tại Agribank, dư nợ tín dụng tăng khoảng 1% trong tháng 1/2024, do đặc thù ngân hàng Agribank có dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70% nên thường vào đầu năm thì dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh, nhưng cuối năm vào vụ sẽ tăng. Tổng giám đốc Agribank cho rằng, khả năng tới quý III và quý IV mới có sự phục hồi rõ rệt.

Ông Phạm Quốc Thanh – Tổng giám đốc HDBank cũng cho hay, dư nợ tín dụng trong tháng 1/2024 của HDBank tăng trưởng nhẹ khoảng 0,2%, nhưng qua đầu tháng 2/2024 thị trường khả quan hơn nên dư nợ tín dụng ước tính cuối tháng 2/2024 tăng khoảng 2%.

"Việc dư nợ tín dụng giảm trong những tháng đầu năm cũng là chuyện bình thường, vì nhu cầu vốn của khách hàng trong những tháng đầu năm chưa cao. Nhưng với mục tiêu NHNN đặt ra 15% trong năm nay thì khả năng sẽ đạt được"", ông Thanh nói.

Đối với HDBank cũng đã, đang từng bước giảm lãi suất cho vay và chuẩn bị giảm thêm 0,3-0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng. Cũng theo ông Thanh, lãi suất hiện nay không còn là rào cản đối với người đi vay mà quan trọng hơn là sức cầu của thị trường.

HDBank cũng đang từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường. trong đó đối với lĩnh vực nhà ở xã hội trong năm nay HDBank cũng kỳ vọng giải ngân được khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, HDBank có công ty tài chính trực thuộc là HDSAISON và đang đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng tiêu dùng 10.000 tỷ đồng theo chủ trương của NHNN giao và trong dịp Tết vừa qua cũng đã giải ngân được 6.800 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay được lãnh đạo BIDV cho biết, hiện ngân hàng đã giảm, với lãi suất cho vay ngắn hạn trung bình khoảng 6,5%/năm và khoảng 8% đối với khoản vay trung, dài hạn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo BIDV, sở dĩ tín dụng giảm trong những tháng đầu năm 2024 là do sức hấp thụ vốn chậm trong những tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu, tiêu dùng còn chậm. Đối với doanh nghiệp còn một số vướng mắc về pháp lý và thị trường xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng của địa chính trị.

Ông Phạm Quang Thắng – Phó tổng giám đốc Techcombank cũng cho hay, lãi suất đã và đang giảm dần, cả với lãi suất cho vay nên không phải là vấn đề lớn đối với người cần vốn mà quan trọng là đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua còn yếu.

Không còn là rào cản

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Techcombank lãi suất cho vay cũng tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng và mức độ rủi ro. Do đó, việc công bố lãi suất cho vay bình quân đối với doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập nên theo ông Thắng, chỉ có thể công bố được lãi suất cho vay cá nhân.

Theo NHNN, ngay từ đầu năm 2024, cơ quan này đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Theo đó, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.

Trong đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Đầu năm 2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Đến 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. NHNN cũng đã có công văn số 117/NHNN-CSTT ngày 7/2/2024 yêu cầu TCTD tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của NHNN về vấn đề lãi suất và báo cáo tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sáng nay, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng, chưa bao giờ cơ chế lãi suất thấp như hiện nay nên lãi suất không còn là rào cản và vấn đề lớn đối với người đi vay. Duy chỉ một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng là do không đáp ứng được điều kiện tín dụng để vay.

Theo Phó Thống đốc Tú, nguyên nhân cơ bản khiến tín dụng giảm (0,6%) trong tháng 1/2024 là do sức hấp thụ vốn kém và tính mùa vụ. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có tính chất quy luật, thông thường vào tháng Tết cổ truyền thì tín dụng không tăng. Thứ hai là do khả năng hấp thụ của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp còn khó khăn, nhu cầu tiêu dùng thấp khiến tín dụng chững lại. Tăng trưởng tín dụng thấp là do nhiều yếu tố như vậy chứ không phải do cơ chế chính sách.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho rằng, việc tín dụng giảm trong tháng đầu năm là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thấp như hiện nay và kỳ vọng dư nợ cải thiện trong thời gian tới khi tình hình kinh tế dần hồi phục. 

Tin liên quan
Tin khác