Tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với tín dụng khiến nhu cầu vốn ngắn hạn tăng để phục vụ các hoạt động tín dụng |
Từ tháng 11/2015, lãi suất liên ngân hàng đã liên tục tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm là 5%/năm và được duy trì cho tới cuối năm. Mức lãi suất này bằng mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay thông qua các giao dịch trên thị trường mở. Nguyên nhân chính dẫn tới việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao là nhu cầu vốn ngắn hạn tăng trong dịp cuối năm, khiến NHNN liên tục bơm tiền với khối lượng lớn và thị trường liên ngân hàng giao dịch sôi động.
Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và những biến động tỷ giá là một trong những nguyên nhân chính khiến nhu cầu vốn ngắn hạn tăng. Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối năm, vì một lượng lớn trái phiếu chính phủ được thu mua, nhu cầu vay vốn ngắn hạn để thanh toán các khoản mua trái phiếu cũng tăng theo.
Vào thời điểm cuối năm, lãi suất liên ngân hàng tham khảo ở mức: qua đêm (4,9%), 1 tuần (5%), 2 tuần (5%) và 1 tháng (5%). Trong năm 2015, lãi suất liên ngân hàng đã dao động trong biên độ từ 1,1% đến 5%, cao hơn so với năm 2014 (chỉ từ 1% đến 4%).
Nhu cầu vay vốn ngắn hạn tăng cao trong dịp cuối năm được thể hiện thông qua khối lượng giao dịch cao trên thị trường liên ngân hàng và khối lượng lớn tiền mặt được NHNN bơm vào hệ thống trong quý cuối năm. Tổng khối lượng giao dịch trong quý IV/2015 đạt 1.601.000 tỷ đồng, tăng 20% so với quý trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2014. Nhu cầu vay vốn ngắn hạn tăng cao, NHNN đã liên tục bơm ròng vào hệ thống thông qua thị trường mở. Tính riêng tháng 12/2015, tổng khối lượng bơm ròng đạt 114.807 tỷ đồng, và cũng là mức bơm ròng trong tháng cao nhất năm 2015.
Một trong những nguyên nhân chính khiến nhu cầu vốn ngắn hạn giai đoạn cuối năm tăng cao là tăng trưởng tín dụng. Tính tới cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã đạt 17,17%, cao hơn nhiều so với mức 12,62% năm 2014. Trong khi đó, tổng vốn huy động năm 2015 chỉ tăng 13,6%. Tăng trưởng huy động thấp hơn nhiều so với tín dụng khiến nhu cầu vốn ngắn hạn tăng để phục vụ các hoạt động tín dụng.
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2015, những lo ngại về việc tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá một lần nữa lại được dấy lên trước ngày họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hơn nữa, những áp lực cho VND tại thời điểm cuối năm cũng dâng cao vì nhu cầu ngoại tệ để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu. NHNN vì vậy đã bán USD để hỗ trợ VND, các ngân hàng thương mại do vậy cần vốn ngắn hạn để thu mua ngoại tệ phục vụ nhu cầu thị trường.
Nhu cầu vốn ngắn hạn cũng tăng để thanh toán các khoản mua trái phiếu chính phủ. Mặc dù 3 quý đầu năm, phát hành trái phiếu không cao, nhưng trong tháng 12, trái phiếu chính phủ đã thu hút sự chú ý của các ngân hàng, thay thế lượng trái phiếu đã đáo hạn, và vì trái phiếu ngắn hạn với kỳ hạn dưới 5 năm đã được chào thầu trở lại trên thị trường sơ cấp. Trong tháng 12, tổng khối lượng huy động trái phiếu đã đạt mức đỉnh cao nhất trong vòng 4 năm là 63.149 tỷ đồng.
Trong năm 2016, chúng tôi cho rằng, lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục chịu sự ảnh hưởng từ những biến động tỷ giá. Mặc dù cơ chế tỷ giá mới sẽ làm giảm nhu cầu đầu cơ, nhưng tỷ giá vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, do vậy nhu cầu ngoại tệ có thể vẫn được duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm nay (18-20%). Thị trường trái phiếu đang có mặt bằng lợi suất khá cao và hấp dẫn các ngân hàng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đang tích cực giải quyết nợ xấu, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trích lập dự phòng rủi ro, khiến nguồn vốn dành cho các hoạt động tín dụng, đầu cơ ngoại tệ cũng như trái phiếu sẽ ít đi. Nhu cầu vốn ngắn hạn nhằm đáp ứng tăng trưởng tín dụng do vậy cũng có thể tiếp tục tăng, và gây sức ép lên lãi suất liên ngân hàng.