Tỷ giá sẽ nhích lên nhưng không đáng kể
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, sau lần điều chỉnh lãi suất này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất đi ngang trước khi giảm dần về 5% vào đầu năm 2024 và về mức 3% vào năm 2025. Trong đó, các ngân hàng trung ương châu Âu cũng được dự báo hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.
Với dự báo này của thị trường, USD sẽ giảm giá và đa số các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại.
Trong bối cảnh đó, ông Lực dự báo VND sẽ chỉ mất giá từ 0 - 0,5% so với USD trong năm 2023. Năm 2024, mức biến động lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5% - 1%.
Diễn biến tỷ giá USD hôm nay (vào lúc 8h10) cho thấy, chỉ số USD Index (DXY), đo lường USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 100,755 điểm, giảm 0,4% so với phiên giao dịch cùng thời điểm ngày hôm qua (101,130).
Ngay sau quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed được đưa ra, chỉ số USD Index giảm 0,15% tính tới sáng nay giờ Việt Nam. Trong phiên giao dịch sáng nay, tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng so với ngày hôm qua. Tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra sáng nay đồng loạt tăng 5 - 20 đồng so với phiên giao dịch hôm qua.
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục “rơi”
Với diễn biến lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất điều hành trong nước sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý IV/2023 và có thể giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát lõi của mỹ vẫn còn nóng, lạm phát của Châu Âu vẫn cao (6-7%) và Ngân hàng trung ươngChâu Âu vẫn tiếp tục tăng lãi suất.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách và tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, Ngân hàng Nhà nước là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên đi ngược chiều chu kỳ chính sách tiền tệ, đây là sự rất dũng cảm của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh toàn cầu còn rất bấp bênh.
Giải thích lý do tiền thừa, lãi suất giảm, nhưng vốn tín dụng ngấm vào nền kinh tế vẫn yếu, ông Quang cho rằng, ngân hàng không phải ngân sách. Ngân sách là cấp phát tiền tiêu, chi không đòi lại. Trong khi đó, ngân hàng huy động vốn để cho vay và lấy lãi tiền vay trả lãi cho người gửi tiền.
“Câu chuyện cấp tiền ra các kênh cung ứng tiền, đặc biệt là kênh tín dụng ngân hàng rất khác. Ngân hàng luôn cân nhắc đưa tiền ra câu hỏi đầu tiên là có thu hồi được về hay không? Trong bối cảnh hiện nay, lực cầu của nền kinh tế rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư cho phép cơ cấu nợ. Mặc dù chúng tôi nói không hạ chuẩn tín dụng, không hạ chuẩn cho vay, nhưng Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã có những biện pháp kỹ thuật cho các khách hàng khó khăn tiếp tục vay vốn”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, cơ quan này sẽ giảm thêm lãi suất điều hành nếu có điều kiện. Nếu không giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm thêm lãi suất cho vay. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, cả phía ngân hàng và chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giảm lãi suất không còn là cây đũa thần.
Điều tích cực của lãi suất giảm, theo TS. Cấn Văn Lực là sẽ ảnh hưởng tốt tới thị trường chứng khoán. VN-Index trong phiên giao dịch hôm qua đã vượt ngưỡng 1.200 điểm. Dù vậy, chuyên gia này cũng lưu ý lãi suất sẽ không thể giảm sâu bởi khi đó dòng tiền từ kênh tiết kiệm ngân hàng sẽ dịch chuyển sang chứng khoán. Xu hướng này đã diễn ra khá rõ nét trong 2 tháng vừa qua.