Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm không ngừng tăng
T.V - 10/10/2022 15:47
Nếu như đầu tháng 10, muốn hưởng lãi suất gần 9% khách hàng phải gửi khoản tiền lớn trị giá hàng trăm tỷ đồng, thì nay với giá trị bất kỳ khoản tiền gửi cao nhất 8,6 - 8,9%/năm.

Kể từ 10/10 - 31/12, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBank theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.

Ngoài ra, với các khoản tiết kiệm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, tuỳ vào các kỳ hạn gửi tiền, khách hàng sẽ được tặng thêm một phần quà bằng tiền mặt trị giá tương đương từ 0,3 - 0,8%/năm lãi suất cho tháng gửi tiền đầu tiên và một tài khoản số đẹp có giá trị từ 2 - 10 triệu đồng.

Trướ đó, ABBank đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, nhưng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Tính đến 10/10/2022, các ngân hàng đều gia nhập cuộc đua lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng mức lãi suất lên mốc cao mới. Trong đó, với SCB dù mới điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi vào ngày 05/10, ngay sau đó đến ngày 08/10, SCB tiếp tục thông báo nâng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên 0,7 điểm phần trăm, từ mức 7,55%/năm mức 8,25%/năm.

Đối với tiết kiệm online, SCB cũng nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm, 9 tháng lên 8,01 - 8,25%, 12 tháng lên 8,2 - 8,55%. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.  

Bên cạnh đó, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Tương tự, Ngân hàng Bản Việt vừa có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm.

Chỉ với 10 triệu đồng, khách hàng có thể tham gia sản phẩm với 2 hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hàng tháng. Theo đó, với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 - 9 - 12 - 15 tháng.

Riêng kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm. Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể tự do chuyển nhượng dưới nhiều hình thức, bất cứ lúc nào và vẫn được hưởng mức lãi suất cạnh tranh so với hình thức gửi tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn và khoản tiền gửi.

Không chỉ sản phẩm tiền gửi, khách hàng gửi tiền tiết kiệm qua hình thức trực tuyến (online) trên Ngân hàng số Digimi của ngân hàng này được hưởng lãi suất cao nhất lên đến 7,5%/năm.

Tính đến 10/10/2022, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 8,25%/năm. Xếp ngay đó là Nam A Bank với mức 7,5%/năm (tiền gửi dưới 500 tỷ đồng). 

Như vậy, kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1% mới đây thì nhiều ngân hàng thương mại thông báo tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn kể từ ngày 23/09/2022.

Trước đó, ngày 27-28/9, các ngân hàng quốc doanh cũng gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, tại 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4.1%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 4,4%/năm và 6 - 9 tháng nâng lên 4,7 - 4,8%/năm, trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng mức 6.4%/năm.

Kế tiếp, vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2022, hầu hết các ngân hàng thương mại trong hệ thống đã gia nhập cuộc đua nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nâng lãi suất lên cột mốc mới.

Trong đó, ở kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất được áp dụng từ 3.8-5%/năm. Có các ngân hàng tăng lên mức trần 5% như: Kienlongbank; Vietbank, VIB và HDBank, Nam A Bank… Kỳ hạn 6 tháng duy trì ở mức 4,7-7%/năm và kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,1 - 8,25%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng, Bac A Bank và KienlongBank áp dụng lãi cao nhất ở mức 7%/năm, kế đó là VIB với 6.8%/năm và NCB là 6,75%/năm. 

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, rất khó để hạ nhiệt lãi suất khi mà tăng trưởng tín dụng năm nay đã tăng gần 11% gần cuối tháng 9/2022, trong khi huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 5%. Tuy nhiên, TS Lực cho rằng, các mức lãi suất huy động cao gần tới 9% chỉ là cục bộ khi chứ không xảy ra ở hầu hết ngân hàng.

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định áp lực mất giá hiện tại của VND chủ yếu đến từ việc USD tăng giá mạnh, trong khi đó, bối cảnh vĩ mô trong nước vẫn ổn định, lạm phát ở mức thấp, Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu và dòng vốn FDI chảy vào.

Do đó, mức mất giá của VND trong thời gian tới sẽ không còn quá lớn như trong thời gian đầu năm, nhưng có thể sẽ bị mất giá mạnh lên khi Fed nâng lãi suất trong các cuộc họp cuối năm, kéo chỉ số USD - Index trên thế giới tiếp tục tăng.

Tin liên quan
Tin khác