Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ (Ngân hàng UOB Việt Nam). |
Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) trong quý I/2024 tăng 3,77% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp lạm phát toàn phần tăng tốc. Trước bối cảnh thị trường hiện nay, ông nhận định và dự báo ra sao về lạm phát trong quý II cũng như cả năm 2024?
Báo cáo quý I/2024 của UOB đưa ra dự báo, lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh các cấu phần chính trong rổ hàng hóa tính toán CPI như giá nhiên liệu, lương thực - thực phẩm, chi phí y tế, giáo dục… đang tiếp tục chịu áp lực tăng. Theo phân tích của UOB, các diễn biến nóng trên toàn cầu như xung đột chiến tranh, rủi ro vận tải biển, biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính gây áp lực lên lạm phát.
Theo tôi, lạm phát quý II sẽ dao động trong khoảng 3,5-4%, lạm phát cả năm 2024 được dự báo ở mức 3,8%.
Lãi suất tiết kiệm hiện đã chạm đáy chưa và thời điểm nào sẽ tăng trở lại, thưa ông?
Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và đã chạm đáy, khó có thể giảm thêm.
Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, nhất là sự phục hồi ngoại thương, song các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm thời gian để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc, từ đó tạo sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thông thường, tín dụng có xu hướng tăng chậm trong quý đầu năm và bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm. Từ thực tế này, chúng tôi cho rằng, lãi suất tiết kiệm có thể tăng lại 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể điều chỉnh lãi suất USD trong năm nay. Theo ông, điều này sẽ tác động ra sao lên tỷ giá cũng như lãi suất VND?
Các báo cáo gần đây của UOB cho thấy, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng, đặc biệt chỉ số việc làm mới và tăng lương, đi kèm mức lạm phát tiếp tục là câu hỏi về thời điểm cụ thể khi nào Fed sẽ cắt giảm lãi suất.
Thị trường kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất 2 đến 3 lần trong năm 2024. Lãi suất USD ở mức cao kéo dài hơn, cơ quan quản lý có đủ thời gian đưa mức lạm phát trở lại quỹ đạo dưới 2% hàng năm. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức rất cao, quanh 4,5%, cho thấy các nhà đầu tư nhận định, lãi suất USD sẽ không giảm quá nhanh trong ngắn và trung hạn.
Theo UOB, với lãi suất USD neo ở mức cao sẽ gây áp lực lên hầu hết các đồng tiền chính trên thế giới. Nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, chúng ta sẽ thấy mức giảm giá của VND khoảng 3% từ đầu năm 2024 đến nay chỉ ở mức trung bình. Báo cáo của UOB cho thấy, dự báo VND và cả các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau năm 2024, khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VND hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.
Chúng tôi cũng kỳ vọng phục hồi kinh tế trong nước sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bán lẻ, sẽ hỗ trợ lãi suất VND tiệm cận mức hợp lý hơn so với tổng thể tăng trưởng.
Liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có sớm đảo chiều chính sách tiền tệ, tăng lãi suất điều hành khi áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu, trong khi chênh lệch giữa lãi suất VND và USD thu hẹp?
NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,5%. Với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo ở mức thấp, nhưng không nên loại trừ hoàn toàn.
Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, chúng tôi cho rằng. NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%. Thay vì tiếp tục hạ lãi suất với các hạn chế trong tính toán mức chặn dưới, Chính phủ chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 15%, với khả năng điều chỉnh linh hoạt dựa trên diễn biến kinh tế trong năm. Nhu cầu tín dụng thấp do nhiều nguyên nhân và có thể cần một thời gian để trở lại trạng thái bình thường.