Giao dịch tại một ngân hàng thương mại có trụ sở TP HCM. Ảnh: Anh Tú. |
Một trong những ngân hàng có mức điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khá mạnh trong tháng 8 là Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank). Trên biểu lãi suất của ngân hàng này, các kỳ hạn dài tăng cao so với trước, như kỳ hạn từ 24 tháng tăng 1,4% lên tới 8,6% một năm, bằng kỳ hạn 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Các kỳ hạn 7-11 tháng cũng tăng thêm 0,4% một năm so với trước đó, lên mức 7,8% một năm.
Song song đó, "ông lớn" quốc doanh là BIDV cũng đã tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1-0,2% một năm. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng và 6 tháng đồng loạt tăng 0,2% lên lần lượt là 4,3% một năm và 5,3% mỗi năm; kỳ hạn 13 tháng lên 6,8% mỗi năm tăng 0,1% một năm...
Còn với HDBank đang có chính sách cộng thêm lãi suất nhân dịp sinh nhật. Theo đó, nếu khách hàng gửi tiết kiệm thông thường các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng lĩnh lãi định kỳ hoặc cuối kỳ, mức lãi suất tăng thêm tối đa lên 0,5% một năm, đưa lãi suất cao nhất cho khoản gửi tiết kiệm là 7,5% một năm.
Hiện ngân hàng này huy động tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng là 5,5% một năm, kỳ hạn 13 tháng 7,2% một năm và kỳ hạn 18 tháng lãi suất là 7,4% một năm (chưa cộng lãi suất ưu đãi).
Trước đó, vào giữa tháng 8, xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất huy động đã bắt đầu diễn ra ở một số ngân hàng thương mại như Techcombank, VPBank, ACB...
Không chỉ chứng kiến sự đi lên của lãi suất tiền gửi từ dân cư, trên thị trường liên ngân hàng cũng diễn ra xu hướng tăng. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước đến ngày 23/8, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng ở một số kỳ hạn từ 0,03-0,09% mỗi năm so với ngày trước đó. Cụ thể qua đêm ở mức 4,62% một năm, các kỳ hạn 1 tuần là 4,75% mỗi năm, 1 tháng 4,72% một năm... tăng khá cao so với thời điểm một tháng trước.
Còn nếu so với đầu tháng 8, mức lãi suất tiền đồng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,35 - 2,7% một năm tùy theo từng kỳ hạn.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lý giải, tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo vị này, lãi suất tăng chỉ mang tính cục bộ và có yếu tố mùa vụ. “Dịp cuối năm người dân thường có nhu cầu chi tiêu lớn, ngoài ra nhu cầu vay để phục vụ cho dịp Tết của doanh nghiệp cũng cao", ông nói và cho rằng chỉ những ngân hàng nào còn room tín dụng thì mới đẩy mạnh hút vốn và cho vay dịp này.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng thông tin, 7 tháng đầu năm, tín tụng trên địa bàn thành phố tăng 9,7%, tức còn dư địa hơn 7% để cho vay những tháng cuối năm. Điều này có nghĩa là trong 4 tháng cuối năm, các ngân hàng còn dư địa hơn 150.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay của cá nhân và doanh nghiệp.
"Hơn nữa, về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng là cố gắng ổn định lãi suất đầu vào để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế", ông nói.