Chẳng hạn tại NCB, kỳ hạn từ 1-6 tháng lãi suất tiền gửi đang áp dụng là 6%năm; 6 -12 tháng là 9,5-9,7%/năm. Còn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 đến 60 tháng lãi suất tiết kiệm được nhà băng này áp dụng từ ngày 22/12/2022 là 9,9%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ).
Tương tự kỳ hạn 6 tháng, SCB, NCB vẫn là những ngân hàng có lãi suất cao nhất thị trường, xấp xỉ mốc 10%/năm.
Cụ thể, NCB (9,7%/năm), SCB trước đó niêm yết lãi suất 9,95%/năm, nhưng hiện nhà băng này không còn niêm yết trên website của ngân hàng, khách hàng cần có thể liên hệ với chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất.
Đó là chưa kể thị trường còn một số ngân hàng, nhất là các nhà băng quy mô vừa và nhỏ vẫn sử dụng hình thức thỏa thuận "ngầm" cộng thêm biên độ lãi suất cho khách hàng, với kỳ vọng hút thêm tiền nhàn rỗi để đẩy mạnh tín dụng khi được nới room.
Trên thị trường hiện nay, phần lớn các ngân hàng còn lại hầu hết niêm yết không quá 9,5%/năm. Cụ thể: Kienlongbank (9,5%), Saigonbank (9,5%), NamABank (9,5%), Techcombank (9,5%), VPBank (9,4%), SHB (9,1%/năm), ACB (9%),...
Techcombank, lãi suất ở các kỳ hạn này đều là 9-9,5%/năm (trong đó 9,5% dành cho khách hàng ưu tiên). Trong khi đó, một số nhà băng sẽ cộng thêm hoặc giảm so với kỳ hạn 12 tháng. NamABank, gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ có lợi hơn vì lãi suất tối đa 9,5%/năm, trong khi gửi 24 tháng dù kỳ hạn dài hơn nhưng chỉ 9,3%/năm.
Đối với nhóm Big4, BIDV và VietinBank cùng niêm yết 8,2%/năm cho hình thức tiết kiệm online và 7,4%/năm cho hình thức gửi tại quầy. Trong khi Vietcombank áp dụng cùng mức 7,4%/năm cho cả khách hàng gửi trực tuyến lẫn gửi tại quầy.
Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn các ngân hàng đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng ở mức tối đa cho phép là 6%/năm. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng áp dụng ở mức thấp hơn, trong đó Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank cùng mức 5,4%/năm.
Trước đó, để ổn định mặt bằng huy động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn kể từ giữa tháng 12/2022.
Thế nhưng, tại một số ngân hàng, dù đang niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5%, song nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, hoặc có thể đáp ứng được một số điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online, là khách hàng thuộc diện ưu tiên…, thì người gửi tiền còn nhận được cộng lãi suất.
Giữa bối cảnh lãi suất huy động tăng quá nhanh và thay đổi liên tục, kéo theo lãi suất vay tăng sẽ khiến các doanh nghiệp e dè trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện dao động 10-12%/năm cho doanh nghiệp và cá nhân còn cao hơn. Do đó, xét về dài hạn, việc tăng lãi suất sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế
Theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, nhiều tổ chức quốc tế đã có nhận định về bức tranh kém lạc quan của kinh tế năm 2023. Các dấu hiệu đã bắt đầu với số lượng các đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ cuối năm 2022. Nhưng đây cũng là yếu tố cơ quan quản lý có thể cân nhắc hỗ trợ thị trường tiền tệ nhằm kích thích phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, các dự báo đưa ra kỳ vọng, tình hình sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý 3/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần kể từ 2 quý cuối năm sẽ là điều kiện tác động tích cực lên lãi suất.