Ngân hàng - Bảo hiểm
Lãi vay có xu hướng giảm trong làn sóng Covid-19 thứ tư
Vân Linh - 14/06/2021 12:39
Cầu tín dụng có xu hướng tăng, song làn sóng Covid-19 thứ tư đang khiến sức khỏe của doanh nghiệp ảnh hưởng, nên nhà băng từng bước giảm lãi suất để kích cầu.
Lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm.

Chia khó mùa dịch

Nhằm góp phần tiếp sức cho các doanh nghiệp ngành dược - y tế có thêm nguồn lực tài chính hoạt động trong giai đoạn hiện nay, Ngân hàng Hàng hải dành nguồn tín dụng lớn với lãi suất ưu đãi cùng gói giải pháp tài chính trọn gói, chuyên biệt cho nhóm khách hàng này. Theo đó, khách hàng được cung cấp dịch vụ bảo lãnh dự thầu, tỷ lệ ký quỹ tối thiểu 0%, miễn các loại phí.

Trong khi đó, Kienlongbank triển khai đồng loạt 2 gói tín dụng ưu đãi, lãi suất cạnh tranh chỉ từ 7%/năm đối với VND và 2,8%/năm đối với vốn vay bằng USD, khách hàng được vay lên đến 80%/giá trị tài sản bảo đảm. Ngoài ra, nhà băng này còn có gói vay trị giá 800 tỷ đồng, dành cho khách hàng doanh nghiệp với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, lãi suất cạnh tranh từ 7,5%/năm. 

Tại báo cáo triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, có rất nhiều yếu tố để thị trường tiếp tục hình thành mặt bằng lãi suất thấp. 

Thứ nhất, ngân hàng trung ương các nước được dự báo duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong khoảng thời gian dài. 

Thứ hai, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất huy động, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế

Thứ ba, xu hướng tăng của lãi suất huy động những năm trước chủ yếu đến từ việc huy động nhằm đáp ứng các chỉ số an toàn và cạnh tranh thu hút khách, cũng như có nguồn lực cho vay tín dụng. Sang năm 2021, với động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cùng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, nên xu hướng tăng lãi suất huy động khó có thể trở lại.

Kéo theo đó, VCBS kỳ vọng tiếp tục có một phần tiền gửi dịch chuyển sang các kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành sẽ tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ, khoản lãi đến hạn và cho phép các tổ chức tín dụng đánh giá một cách thực tế chất lượng các khoản tín dụng để trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự an toàn của nền tài chính quốc gia trong trung hạn cũng như dài hạn.

Cũng theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đặt mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%, song có điều chỉnh mục tiêu khi cần thiết, tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Lãi suất khó tăng?

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bắc Giang và Bắc Ninh, Vietcombank đã quyết định giảm lãi suất cho vay và phí đối với khách hàng tại hai tỉnh này từ ngày 1/6 đến 31/8/2021. Cụ thể, Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, lãi suất cho vay bằng VND trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường được các ngân hàng thương mại áp dụng phổ biến ở mức 7,41 - 8,44%/năm đối với ngắn hạn và 9,01 - 10,14%/năm đối với trung, dài hạn. Riêng khối ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài áp dụng mức lãi suất cho vay phổ biến khoảng 2,8%/năm đối với ngắn hạn và 10,44%/năm đối với trung, dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên hiện nay áp dụng tối đa 4,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Còn đối với lãi suất cho vay bằng USD được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 2,5 - 3,8%/năm đối với ngắn hạn và ở mức 4,47 - 5,1%/năm đối với trung, dài hạn.

Mới đây, trên thị trường có 8 ngân hàng giảm lãi suất huy động với biên độ giảm 0,2 - 0,5%. Điều này trái ngược với nhiều lo ngại rằng lãi suất đang tăng trở lại.

Đầu tháng 6/2021, Ngân hàng BIDV thông báo áp dụng giảm lãi suất các khoản vay trung, dài hạn cá nhân mới, với mức giảm 0,6% và giảm 0,2% lãi suất với khách hàng vay tiêu dùng, mua ô tô. Theo đó, lãi suất năm đầu của BIDV áp dụng cho các khoản vay mua nhà là 6,2%; vay tiêu dùng, mua ô tô là 6,4%. 

Một số ngân hàng còn có xu hướng giảm lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng và 1 năm, như Ngân hàng Bản Việt (BVB), Eximbank, SHB, LienVietPostBank, SCB, SeABank… Mức lãi suất giảm phổ biến là 0,2 - 0,5%. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm. Theo VDSC, tín dụng có dấu hiệu tăng trong nửa đầu năm nay, trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng lên.

Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn lãi suất huy động. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã giảm 2 - 2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm trung bình 1 - 1,5%. SSI cho rằng, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác